Hộ kinh doanh cá thể là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nước ta. Vậy hộ kinh doanh cá thể có cần giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy (PCCC) như các loại hình doanh nghiệp khác hay không? Điều kiện, hồ sơ, thủ tục để được cấp PCCC là như thế nào? Chính vì vậy, bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ thắc mắc của bạn về Quy định về phòng cháy chữa cháy đối với hộ kinh doanh cá thể
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013;
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.
Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy là gì?
Giấy phép phòng cháy chữa cháy (hay Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy) là tài liệu pháp lý chứng minh đối tượng được cấp đã đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 5 Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định về trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy tại Việt Nam như sau:
– Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.
– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;
- Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;
- Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy;
- Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;
- Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
– Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:
- Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.
– Cá nhân có trách nhiệm:
- Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
- Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;
- Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;
- Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
- Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật này.
– Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong PCCC tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 13 Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong PCCC tại Việt Nam như sau:
- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
- Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy.
- Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
- Báo cháy giả.
- Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.
- Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.
- Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn.
- Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Hộ kinh doanh cá thể có cần giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy không?
Không phải bất cứ cơ sở kinh doanh nào, pháp luật cũng đòi hỏi hộ kinh doanh phải có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.
Tại Phụ lục 1 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ có liệt kê các loại cơ sở. Như vậy, nếu hộ kinh doanh của bạn là các cơ sở thuộc loại dưới đây thì phải tuân thủ và đáp ứng được các điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định:
- Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; Cơ sở giáo dục thường xuyên; Cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục.
- Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở y tế khác được thành lập theo luật khám bệnh, chữa bệnh
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp.
- Cửa hàng điện máy, siêu thị; cửa hàng bách hóa; cửa hàng tiện ích; nhà hàng, cửa hàng ăn uống
- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch.
- Trung tâm thể dục, thể thao; cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao;
- Bảo tàng, thư viện; nhà triển lãm; nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ; cơ sở tôn giáo.
- Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy.
- Gara để xe ô tô, bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy; cửa hàng kinh doanh khí đốt.
- Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ; kho hàng hóa vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu có diện tích từ 500m2 trở lên.
- Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình.
Theo đó, có một số hộ kinh doanh không thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy như: Cửa hàng salon tóc, tiệm may vá, các loại hình kinh doanh dịch vụ tại nhà, giao hàng… vì không phải cơ sở được liệt kê ở trên.
Tuy nhiên nếu hộ kinh doanh của bạn hoạt động trong phạm vi một cơ sở đã đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định pháp luật thì sẽ không phải xin lại giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, mà chỉ cần thực hiện những nội dung sau:
- Bảo đảm có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
- Cử người tham gia đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
- Phối hợp với người đứng đầu cơ sở thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình.
Vì vậy, trước khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, bạn cần đối chiếu xem hộ kinh doanh của mình có thuộc những cơ sở đã liệt kê ở trên, địa điểm kinh doanh có nằm trong phạm vi một cơ sở đã đảm bảo được điều kiện PCCC hay không.
Quy định về điều kiện cấp phòng cháy chữa cháy đối với hộ kinh doanh cá thể?
Để được nhận giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy hiểm về cháy nổ được pháp luật chỉ rõ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Cụ thể như sau:
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp trạm biến áp được vận hành tự động;
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
Quy định về hồ sơ cấp phòng cháy chữa cháy đối với hộ kinh doanh
Để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đã đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
- Giấy chứng nhận thẩm quyền về phòng cháy và chữa cháy (bản sao có công chứng chứng thực)
- Văn bản nghiệm thi về việc phòng cháy, chữa cháy đối với những cơ sở mới cải tạo hay mới xây dựng
- Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở (bản sao công chứng chứng thực)
- Bản thống kê toàn bộ những phương tiện phòng cháy, chữa cháy và các phương tiện cứu người đã trang bị
- Các phương án chữa cháy của hộ kinh doanh
- Quyết định của hộ kinh doanh cá thể về việc thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở
- Danh sách cá nhân đã qua đợt huấn luyện về việc phòng cháy, chữa cháy.
Tại sao phải xin cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho hộ kinh doanh?
Hộ kinh doanh vốn dĩ là một mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, đơn giản nên ít ai nghĩ hình thức kinh doanh này cần phải có Giấy phép phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, dù là mô hình kinh doanh nhỏ vẫn có thể phát sinh những vụ tai nạn liên quan đến cháy nổ.
Trong số đó có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ này. Nguyên nhân trực tiếp là những đơn vị này kinh doanh các mặt hàng dễ cháy và sắp xếp hàng hóa không hợp lý.
Khi có cháy nổ xảy ra nhiều hộ kinh doanh lại không trang bị đẩy đủ các thiết bị cần thiết và không tuân thủ theo đúng quy chuẩn an toàn PCCC. Việc thiệt hại và tính mạng và tài sản xảy ra không phải là điều khó hiểu.
Chính vì thế, ngay khi bắt đầu kinh doanh theo hình thức này thì bạn cần phải tìm hiểu quy định về phòng cháy chữa cháy và phải xin cấp Giấy phép nếu thuộc trường hợp bắt buộc.
Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề Quy định về phòng cháy chữa cháy đối với hộ kinh doanh cá thể do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Xem thêm:
- Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
- Phân biệt giải thể và phá sản công ty
- Công ty TNHH 1 thành viên phá sản – Ai chịu trách nhiệm?