Bút toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng

by Vũ Khánh Huyền

Bút toán hạch toán khấu trừ thuế GTGT là một trong những định khoản thường xuyên phát sinh trong nghiệp vụ kế toán. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bạn kế toán gặp khó khăn khi hạch toán bút toán khấu trừ thuế. Qua bài viết, Luật Đại Nam tổng hợp những quy định về bút toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng, tài khoản sử dụng, các giao dịch theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC với những ví dụ và lưu ý cụ thể cho kế toán.

Bút toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng

Bút toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng

Giới thiệu về bút toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng

Hạch toán khấu trừ thuế GTGT là bút toán dùng để thể hiện các nghiệp vụ kinh tế có liên quan đến thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (mua, bán các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, kết chuyển thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào được khấu trừ).

Tài khoản kế toán chính được sử dụng trong các bút toán này là 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

Tài khoản 133 có 2 tài khoản phụ là:

  • 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ
  • 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định

Các bút toán đối với một số giao dịch kinh tế có thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính

Khi mua tài sản cố định, hàng hóa, nguyên vật liệu, nhập qua kho trước khi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213, 217, 611 (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

Khi mua công cụ dụng cụ, nguyên vật liệu, dịch vụ đưa vào phục vụ ngay hoạt động sản xuất, hoặc mua hàng hóa bán ngay cho khách hàng không qua kho, ghi:

Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241, 242, 632… (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

Khi nhập khẩu tài sản cố định, hàng hóa, nguyên vật liệu, nếu thuế GTGT khâu nhập khẩu được khấu trừ, căn cứ số thuế GTGT đã nộp ở khâu nhập khẩu, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).

Để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, doanh nghiệp phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên.

Nếu trị giá hàng hóa đã bao gồm thuế GTGT từ 20 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp thanh toán 1 phần bằng tiền mặt, 1 phần bằng chuyển khoản thì chỉ được khấu trừ phần thuế GTGT tương ứng với giá trị hàng hóa được thanh toán không dùng tiền mặt.

Lưu ý:

Trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT, doanh nghiệp được phép thanh toán tiền mặt và vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Trường hợp tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì số thuế GTGT đầu vào tối đa được khấu trừ là 160 triệu đồng, phần thuế GTGT vượt hơn không được khấu trừ và không được tính vào chi phí (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô)

Trường hợp doanh nghiệp sản xuất cả hàng hóa chịu thuế GTGT và hàng hóa không chịu thuế GTGT và không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

a) Khi mua TSCĐ, hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào)

Có các TK 111, 112, 331,…

b) Cuối kỳ, căn cứ quy định tại Luật Thuế GTGT, kế toán tính và xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, không được khấu trừ. Đối với số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ tính vào chi phí, giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 627, 632, 641, 642 – Giá vốn hàng bán, chi phí sản xuất kinh doanh.

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

Trường hợp doanh nghiệp đã mua hàng, tuy nhiên hàng hóa không đạt phẩm chất như cam kết, người bán nhận lại hàng hoặc giảm giá hàng bán, căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại cho người bán, chứng từ giảm giá hàng bán và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh giá trị hàng đã mua và đã trả lại người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 331 (tổng giá thanh toán)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá)

Có các TK 152, 153, 156, 211,… (giá mua chưa có thuế GTGT).

Căn cứ vào quy cách, chất lượng sản phẩm thực tế và cam kết trên hợp đồng, doanh nghiệp thông báo lại cho người bán để 2 bên cùng xác nhận tình trạng của hàng hóa nhận được, sau đó thống nhất phương án hoàn trả hàng hay giảm giá để làm các hồ sơ đi kèm (Biên bản trả hàng, thông báo giảm giá hàng bán, hóa đơn,…)

Trường hợp doanh nghiệp bị tổn thất tài sản cố định, hàng hóa, nguyên vật liệu do thiên tai, hỏa hoạn và xác định do trách nghiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381) (Khi chưa xác định được người phải bồi thường)

Nợ các TK 111, 334,… (số thu bồi thường đã thu)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu được tính vào chi phí)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).

Hồ sơ đi kèm để xác định trách nhiệm bao gồm: Biên bản kiểm kê tài sản, Bản giải trình của người có liên quan, Biên bản họp xử lý bồi thường, Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại.

Trường hợp không xác định được cá nhân tổ chức chịu trách nhiệm mà tài sản đã mua bảo hiểm và được cơ quan bảo hiểm chi trả thì hồ sơ phải bao gồm các giấy tờ làm việc với bên bảo hiểm.

Cuối kỳ, kế toán xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra khi xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

Số thuế kết chuyển tối đa bằng số thuế đầu ra trong kỳ, số còn lại ghi trên dư nợ của TK 133 để chuyển sang số dư đầu kỳ sau. Nếu sau khi kết chuyển hết số dư nợ trên tài khoản 133 mà số dư có trên tài khoản 3331 vẫn còn thì đó là số thuế GTGT phải nộp trong kỳ của đơn vị.

Khi được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ, ghi:

Nợ các TK 111, 112,….

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

Một số lưu ý với kế toán khi hạch toán khấu trừ thuế GTGT

  • Nghiên cứu kỹ chính sách thuế GTGT để xác định rõ thuế suất của các mặt hàng mua vào, đề nghị người bán điều chỉnh hóa đơn nếu hàng hóa, dịch vụ mua vào sai thuế suất.
  • Hạch toán chính xác số thuế GTGT đầu vào trên các chứng từ như hóa đơn GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.
  • Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
  • Luôn kiểm tra lại số liệu trước khi kết chuyển số dư của tài khoản 133 để đảm bảo số liệu kê khai thuế GTGT đúng.
  • Trường hợp TK 133 có số dư bên nợ thì luôn bằng số thuế GTGT đầu vào được kết chuyển sang kỳ sau của tờ khai thuế cùng kỳ.

Trường hợp TK 133 không có số dư bên nợ thì trong kỳ doanh nghiệp phát sinh số thuế GTGT phải nộp (trừ trường hợp trong kỳ doanh nghiệp không phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh).

Ngoài ra, các bạn kế toán lưu ý kiểm tra kỹ hóa đơn đã được cấp mã của cơ quan thuế hay chưa, doanh nghiệp cấp hóa đơn còn hoạt động hay không?… MISA AMIS Kế toán chúc các bạn thành công!

Trên đây, Luật Đại Nam đã tổng hợp và gửi đến các bạn về Bút toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp có thể tham khảo. Nếu bạn đang tìm đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán trọn gói, hãy tham khảo dịch vụ kế toán trọn gói tại Luật Đại Nam, liên hệ ngay để được hỗ trợ và tư vấn miễn phí.

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489

– Email: luatdainamls@gmail.com

Xem thêm;

Mức lệ phí thuế môn bài năm 2023

Lệ phí môn bài bậc 1

Hướng dẫn nộp phí môn bài cho chi nhánh 

Lệ phí môn bài bậc 2 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488