Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước. Để đảm bảo thu đúng, thu đủ và thu kịp thời các khoản thuế, nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật về thuế tương đối đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước, làm thất thoát nguồn lực của đất nước, gây mất công bằng trong xã hội. Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, người nộp thuế và xã hội.
Nội Dung Chính
Khái niệm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thuế, xâm phạm đến các quy tắc quản lý nhà nước về thuế, gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
Luật quản lý thuế 2019 quy định các hành vi thuộc nhóm hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế. Cụ thể như sau:
Hành vi vi phạm thủ tục thuế
Hành vi vi phạm thủ tục thuế bao gồm:
– Hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế;
– Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
– Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong khoảng thời gian từ ngày hết hạn phải nộp tờ khai hải quan đến trước ngày xử lý hàng hóa không có người nhận theo quy định của Luật Hải quan;
– Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, trừ trường hợp người nộp thuế khai bổ sung trong thời hạn quy định;
– Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;
– Hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu
Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bao gồm:
– Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, trên các hóa đơn, chứng từ hợp pháp;
– Người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn;
– Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng.
Người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không thuộc các trường hợp về hành vi trốn thuế thì ngoài việc phải khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp, người nộp thuế còn bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế trong trường hợp sau đây:
– Người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan hoặc sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hóa đã được thông quan;
– Cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan; phát hiện khi thanh tra đối với hàng hóa đã thông quan, kiểm tra sau thông quan và cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định;
– Cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp.
Hành vi trốn thuế
Hành vi trốn thuế bao gồm:
– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
– Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
– Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
– Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
– Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
– Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.
– Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
– Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.
– Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
– Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý thuế.
Hành vi vi phạm khác
– Hành vi vi phạm của ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế trong lĩnh vực quản lý thuế;
– Hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý thuế;
– Vi phạm hành chính về phí, lệ phí, hóa đơn trong lĩnh vực quản lý thuế.
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
Các hình thức xử phạt bao gồm:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền. Mức phạt tiền được quy định như sau:
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
- Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan hoặc sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hóa đã được thông quan;
- Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế khi cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan; phát hiện khi thanh tra đối với hàng hóa đã thông quan, kiểm tra sau thông quan và cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định; Các trường hợp khác và cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp.
- Phạt từ 01 lần đến 03 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.
Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
– Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn, thiếu;
– Buộc nộp đủ số tiền đã miễn, giảm, hoàn, không thu thuế không đúng.
Dịch vụ tư vấn thuế thu nhập cá nhân của Luật Đại Nam
- Tư vấn cho khách hàng các quy định pháp luật thuế nói chung và pháp luật thuế thu nhập cá nhân nói riêng;
- Tư vấn cho khách hàng các quy định và trình tự, thủ tục, hồ sơ về quyết toán thuế thu nhập cá nhân;
- Thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân khi có sự ủy quyền của khách hàng, bao gồm: chuẩn bị, hoàn thiện và nộp hồ sơ quyết toán tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Thay mặt khách hàng sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trực tiếp làm việc với cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;
- Thực hiện các dịch vụ liên quan đến quyết toán thuế khác khi khách hàng có nhu cầu.
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM:
Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân online
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân từ youtube
Mức đóng thuế thu nhập cá nhân – Luật Đại Nam
Quyết toán thuế TNCN cho nhân viên đã nghỉ việc? – Luật Đại Nam