Trường hợp nào cá nhân phải chịu thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử

by Hồ Hoa

Hiện nay, trong thời đại công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển khiến cho nhiều người lựa chọn hình thức bán hàng online để kinh doanh qua các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop… đem lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên khi kinh doanh qua sàn thương mại điện tử thì có cần phải thực hiện nghĩa vụ về thuế như kinh doanh bình thường hay không và trường hợp nào cá nhân phải chịu thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử?

Trường hợp nào cá nhân phải chịu thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Trường hợp nào cá nhân phải chịu thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Đối tượng đăng ký thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP: “Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó”.

Một trong những điều kiện để thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là “thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân”. Mã số thuế do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế. Chủ thể trong hoạt động kinh doanh gồm: Chủ sở hữu website TMĐT và người bán.Vậy khi phát sinh nghĩa vụ thuế trong giao dịch điện tử thì đối tượng nào phải đóng thuế?

Để quản lý chặt chẽ hơn với hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Theo đó, các sàn TMĐT cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.  Điều này đồng nghĩa với việc sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng mà không cần có nghĩa vụ nộp thuế thay người bán (trừ trường hợp được người bán ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự). Còn người bán (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân) là đối tượng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Các khoản thuế phải nộp trong kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Các hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD) nộp thuế GTGT và thuế TNCN thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 40/2021/TT-BTC. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, không phân biệt hình thức sản xuất kinh doanh là trực tiếp hay trực tuyến.

Căn cứ tính thuế đối với HKD, CNKD là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Khi mức doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Như vậy nghĩa vụ thuế phát sinh khi doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm.

Xác định số thuế phải nộp như sau:

  • Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
  • Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Tỷ lệ thuế GTGT (nếu hàng hóa thuộc loại chịu thuế GTGT, không tính nếu là hàng hóa không chịu thuế GTGT) và tỷ lệ thuế TNCN quy định chi tiết theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Ngoài ra, trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh là cơ sở sản xuất trực tiếp bán ra hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải nộp thuế TTĐB tùy thuộc từng loại hàng hóa dịch vụ (Ví dụ như sản xuất và bán hàng mã).

Đối với doanh nghiệp, hàng hóa dịch vụ bán ra trên sàn TMĐT cần được tập hợp kê khai đầy đủ, chính xác vào hoạt động bán hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp để xác định các nghĩa vụ thuế liên quan (GTGT, TNDN…) theo phương pháp tính thuế mà doanh nghiệp áp dụng.

Trường hợp nào cá nhân phải chịu thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo quy định về nguyên tắc tính thuế đối với cá nhân kinh doanh tại Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) theo biểu phí tại thông tư này là 1,5% tính trên doanh thu, gồm 1% thuế suất giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định về trường hợp tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trong các trường hợp sau đây:

….

đ) Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự;

…”

Bên cạnh đó, Theo khoản 6 Điều 18 Thông tư 40/2021/TT-BTC, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định về trách nhiệm của Cục Thuế như sau:

“6. Trách nhiệm của Cục Thuế

Trong trường hợp tổ chức là chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử không thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua Sàn trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự thì Cục Thuế phối hợp với Sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh thông qua Sàn theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế để quản lý thuế theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, đối với cá nhân có hoạt động phát sinh thu nhập chịu thuế trên sàn thương mại điện tử, việc kê khai và nộp thuế của cá nhân có thể được ủy quyền cho tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử. Hiện nay, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 100/2021/TT-BTC, thì Chủ sàn giao dịch thương mại điện tử không bắt buộc phải kê khai và nộp thuế cho người bán, mà việc kê khai, nộp thuế này phụ thuộc vào việc có ủy quyền của bên bán hay không. Ngoài ra, tùy vào chính sách riêng của mỗi sàn giao dịch hương mại điện tử mà Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có thể nhận ủy quyền hoặc không nhận ủy quyền do không thuộc trường hợp bắt buộc kê khai. Trường hợp cá nhân không có hoặc không thể ủy quyền về việc kê khai, nộp thuế này cho chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thì các tổ chức là chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh đến cơ quan thuế. Khi đó, cá nhân sẽ trực tiếp kê khai và nộp thuế với cơ quan quản lý thuế.

Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Trường hợp nào cá nhân phải chịu thuế trên sàn giao dịch thương mại điện tử“. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề pháp lý có liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi về đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.

Xem thêm: Trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp giao dịch chứng khoán trong nước

Dịch vụ tư vấn pháp luật về tranh chấp hợp đồng kinh tế của Luật Đại Nam

  • Có đội ngũ chuyên gia với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp;
  • Áp dụng phương pháp tư vấn, giải quyết tranh chấp thông minh, nhanh chóng và hiệu quả;
  • Cung cấp các giải pháp và lời khuyên chuyên nghiệp trong việc tư vấn doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế;
  • Tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp;
  • Thành công trong nhiều vụ tranh chấp thương mại;
  • Mức giá dịch vụ công khai và hợp lý.

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489

– Hotline: 02462.544.167

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488