Dùng bằng lái xe ô tô thay cho bằng lái xe máy được không?

by Vũ Khánh Huyền

Giấy phép lái xe hay còn gọi là bằng lái xe (viết tắt GPLX) là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông. Trường hợp dùng bằng lái xe ô tô thay cho bằng lái xe máy thì có được không? Bài viết dưới đây của Luật Đại Nam sẽ giải đáp cho câu trả lời của bạn đọc !

Dùng bằng lái xe ô tô thay cho bằng lái xe máy được không?

Dùng bằng lái xe ô tô thay cho bằng lái xe máy được không?

Có được dùng bằng lái ô tô thay cho bằng lái xe máy?

Xe ô tô và xe máy là hai loại phương tiện khác nhau do đó theo quy định của Luật, người điều khiển xe không thể dùng bằng lái ô tô thay cho bằng lái xe máy.

Trong đó, quy định cụ thể của Luật như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 23/2008/QH12, điều kiện của người lái xe tham gia giao thông:

Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

Theo phân loại bằng lái xe ở trên và Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì xe ô tô và xe máy là 02 loại phương tiện cơ giới khác nhau nên khi điều khiển phương tiện nào, người lái xe phải có Giấy phép lái xe phù hợp loại xe đó.

Do vậy, không thể dùng bằng lái xe ô tô thay thế cho bằng lái xe máy.

Mặt khác căn cứ khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:

  • Phạt tiền từ 04 – 05 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển.
  • Phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng nếu điều khiển xe ô tô mà có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển (căn cứ khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Như vậy, căn cứ những quy định nêu trên, người tham gia giao thông phải sử dụng bằng lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, không được dùng bằng lái xe ô tô thay cho bằng lái xe máy.

Lưu ý: Hiện nay, nhiều người đã gộp chung bằng lái xe máy và ô tô, trường hợp này không vi phạm quy định.

>> Xem thêm: Thủ tục cấp lại bằng lái xe máy: Cần chuẩn bị giấy tờ gì?

Các loại bằng lái xe mới nhất mới nhất hiện nay

Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định hiện nay có các hạng Giấy phép lái xe sau:

Loại Bằng lái xe

Loại xe được điều khiển

GPLX hạng A1 Cấp người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 đến dưới 175 cm3, xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật
GPLX hạng A2 Cấp người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1
GPLX hạng A3 Cấp người điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự
GPLX hạng A4 Cấp người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg
GPLX hạng B1 số tự động Cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển: Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; ô tô dùng cho người khuyết tật
GPLX hạng B1 Cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển: Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
GPLX hạng B2 Cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển: Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1
GPLX hạng C Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
GPLX hạng D Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C
GPLX hạng E Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D
GPLX hạng F Cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa:
Hạng FB2 Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2
Hạng FC Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2
Hạng FD Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2
Hạng FE Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488