Khi thực hiện hành vi mua bán, trao đổi tài sản, dịch vụ,… chúng ta thường nghe đến khái niệm hợp đồng dân sự. Vậy hợp đồng dân sự là gì? Đặc điểm của hợp đồng dân sự là gì? Những quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự như thế nào? Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu trong bài viết sau.
Nội Dung Chính
Hợp đồng dân sự là gì?
Hợp đồng dân sự là một giao dịch dân sự mà trong đó các bên tự ý trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến sự thỏa thuận cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định. Dưới góc độ pháp lý, hợp đồng dân sự được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (theo Bộ luật dân sự Việt Nam 2015).
Hợp đồng dân sự là một bộ phận các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.
Cần phân biệt thuật ngữ hợp đồng dân sự với thuật ngữ pháp luật về hợp đồng dân sự. Đây là 2 khái niệm không đồng nhất với nhau. Hợp đồng dân sự là quan hệ xã hội được hình thành từ sự thỏa thuận của các bên để thỏa mãn nhu cầu trao đổi trong giao lưu dân sự. Còn pháp luật về hợp đồng dân sự là sự thừa nhận và là yêu cầu của Nhà nước đối với các giao lưu dân sự đó.
Quy định chung về hợp đồng dân sự
Nội dung của hợp đồng dân sự bao gồm các điều khoản xác định quyền, nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm của các bên khi không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng dân sự. Các điều khoản của hợp đồng dân sự bao gồm:
Điều khoản cơ bản là điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng dân sự và được coi là điều kiện cần và đủ để hình thành một hợp đồng dân sự.
Điều khoản thông thường là điều khoản không bắt buộc các bên phải thỏa thuận. Chúng đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Nếu các bên không thỏa thuận, thì sẽ áp dụng theo các quy định của pháp luật hoặc được áp dụng theo tập quán nếu không trái với nguyên tắc cơ bản của luật dân sự.
Điều khoản tùy nghi là điều khoản do các bên thỏa thuận. Theo nguyên tắc chung, một trong các bên tham gia hợp đồng dân sự không thể tự ý thay đổi nội dung của hợp đồng dân sự. Nếu vi phạm hợp đồng dân sự, phải chịu trách nhiệm, tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả của vi phạm đó. Việc giao kết hợp đồng phải tuân thủ các quy định của các văn bản pháp luật liên quan.
Pháp luật dân sự chỉ quy định một số hợp đồng dân sự thông dụng, thường gặp với tính chất đơn giản, đặc trưng cho hợp đồng dân sự đó. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, những thỏa thuận không trái pháp luật, đạo đức xã hội và tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đều có thể coi là hợp đồng dân sự.
Đặc điểm của hợp đồng dân sự
Tính thỏa thuận
Hợp đồng dân sự trước hết phải là một thỏa thuận có nghĩa là hợp đồng phải chứa đựng yếu tố tự nguyện khi giao kết nó phải có sự trùng hợp ý chí của các bên. Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng, tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Yếu tố thỏa thuận đã bao hàm trong nó yếu tố tự nguyện, tự định đoạt và sự thống nhất về mặt ý chí. Đây là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự đặc trưng của hợp đồng so với các giao dịch dân sự khác, đây cũng là yếu tố làm nên bản chất của Luật dân sự so với các ngành luật khác.
Chủ thể tham gia
Chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải có ít nhất từ hai bên trở lên, vì hợp đồng dân sự là một giao dịch pháp lý song phương hay đã phương. Các chủ thể khi giao kết, thực hiện hợp đồng đều phải có tư cách chủ thể tức là phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với một chủ thể của quan hệ dân sự (ví dụ: nếu chủ thể là cá nhân thì phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự…).
Mục đích
Hướng tới của các bên khi tham gia hợp đồng là để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Quyền và nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng có phạm vi rất rộng. Về bản chất, các quyền và nghĩa vụ mà các bên hướng tới khi giao kết, thực hiện hợp đồng là những quyền và nghĩa vụ để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu trong sinh hoạt, tiêu dùng. Mục đích của hợp đồng kinh tế khi các bên chủ thể tham gia là mục đích kinh doanh trong khi đó hợp đồng dân sự các bên tham gia nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng. Chủ thể tham gia hợp đồng kinh tế phải là các thương nhân, các công ty, đơn vị kinh doanh (nếu chủ thể là cá nhân thì phải có đăng ký kinh doanh).
Phân loại hợp đồng dân sự theo Bộ luật dân sự 2015
Phân loại hợp đồng dựa vào mối liên quan giữa chúng
Nếu dựa vào mối liên quan về hiệu lực và chức năng giữa hai hợp đồng với nhau, chúng ta có thể xác định các hợp đồng theo hai loại:
- Hợp đồng chính: Đây là loại hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng khác. Nó tồn tại và thực hiện độc lập.
- Hợp đồng phụ: Đây là loại hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Hợp đồng phụ thường có chức năng hỗ trợ, bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng chính. Chúng thường được thực hiện khi hợp đồng chính không được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi đến hạn. Nếu hợp đồng chính bị vô hiệu thì hợp đồng phụ cũng sẽ vô hiệu, trừ trường hợp hợp đồng chính bị vô hiệu nhưng đã được thực hiện toàn bộ hoặc một phần.
Ví dụ: Hợp đồng vay tài sản và hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện hợp đồng vay. Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng chính, trong khi hợp đồng thế chấp tài sản là hợp đồng phụ. Hợp đồng thế chấp được thực hiện khi hợp đồng vay tài sản không được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi đến hạn. Trong trường hợp hợp đồng vay vô hiệu và chưa được thực hiện, hợp đồng thế chấp cũng bị vô hiệu. Tuy nhiên, nếu hợp đồng vay vô hiệu nhưng bên cho vay đã chuyển tài sản cho bên vay, hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực pháp luật và bên thế chấp phải bảo đảm việc trả lại tài sản vay mà bên vay đã nhận.
Phân loại hợp đồng dựa vào quyền và nghĩa vụ của các bên
Dựa vào quyền và nghĩa vụ của các bên, hợp đồng được phân thành hai loại:
- Hợp đồng đơn vụ: Đây là hợp đồng làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng mà trong quan hệ nghĩa vụ đó chỉ một bên có nghĩa vụ.
- Hợp đồng song vụ: Đây là hợp đồng làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng mà trong quan hệ nghĩa vụ đó mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
Việc xác định một hợp đồng là đơn vụ hay song vụ phải dựa vào quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Chẳng hạn, hợp đồng cho vay được thỏa thuận là có hiệu lực từ thời điểm các bên cùng ký vào văn bản hợp đồng thì hợp đồng vay này là hợp đồng song vụ. Nếu hợp đồng cho vay được thỏa thuận là chỉ có hiệu lực khi bên cho vay đã chuyển tài sản vay cho bên vay thì hợp đồng vay này là hợp đồng đơn vụ vì vào thời điểm hợp đồng có hiệu lực, bên cho vay không còn nghĩa vụ.
Phân loại hợp đồng dựa vào sự trao đổi ngang giá
- Hợp đồng có đền bù: Đây là loại hợp đồng mà trong đó, một bên nhận được lợi ích từ bên kia chuyển giao thì phải chuyển giao lại cho bên kia một lợi ích tương ứng.
- Hợp đồng không có đền bù: Đây là loại hợp đồng mà trong đó, một bên nhận được lợi ích do bên kia chuyển giao nhưng không phải chuyển giao lại bất kỳ lợi ích nào.
Căn cứ vào sự trao đổi ngang giá (có đi có lại về lợi ích giữa các bên) để xác định hợp đồng nào là có đền bù, hợp đồng nào là không có đền bù.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán tài sản luôn luôn là hợp đồng có đền bù vì khi bên mua nhận được tài sản do bên bán chuyển giao thì phải chuyển giao lại cho bên bán một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đã nhận.
Phân loại hợp đồng theo thời điểm có hiệu lực
- Hợp đồng ưng thuận: Đây là loại hợp đồng có hiệu lực trước thời điểm các bên chuyển giao đối tượng của hợp đồng cho nhau. Ví dụ: hợp đồng mua bán tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản và trả tiền cho nhau sau thời điểm này là một hợp đồng ưng thuận.
- Hợp đồng thực tế: Đây là loại hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên đã chuyển giao đối tượng của hợp đồng cho nhau. Ví dụ: hợp đồng tặng cho luôn là hợp đồng thực tế, vì pháp luật đã quy định hợp đồng này chỉ có hiệu lực vào thời điểm bên được tặng cho đã nhận được tài sản tặng cho.
Trên đây là toàn bộ nội dung Luật Đại Nam cung cấp đến bạn đọc về Hợp đồng dân sự.
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488 – 0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm
Chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Hợp đồng BCC là gì? Các thông tin chi tiết về hợp đồng BCC
Hợp đồng hết hạn có cần thanh lý không?