Với những người có thu nhập cao, tài sản có giá trị lớn thì mức thuế đánh vào càng cao, do đó có nhiều người nảy sinh ý định trốn thuế, gian lận thuế. Pháp luật quy định mức phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Đại Nam gửi đến bạn đọc mức phạt khi trốn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Nội Dung Chính
HÀNH VI TRỐN THUẾ GỒM NHỮNG GÌ?
1. Trốn thuế là gì?
Trốn thuế được hiểu là những hành vi của cá nhân, tổ chức thực hiện các phương thức mà pháp luật không cho phép với mục đích làm giảm số thuế phải nộp.
Ví dụ:
- Bán hàng nhưng lại không xuất hóa đơn để giảm doanh thu;
- Tạo ra những thông tin không có thật như việc mua hóa đơn để tăng chi phí được khấu trừ thuế hoặc tạo hồ sơ giả để hoàn thuế GTGT…
2. Các hành vi trốn thuế
Theo Điều 143 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (ban hành ngày 13/06/2019), doanh nghiệp có các hành vi sau đây sẽ bị coi là trốn thuế:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Không ghi chép đầy đủ hồ sơ trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi thông tin giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
- Sử dụng những hóa đơn, chứng từ không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để kê khai hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế để giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp;
- Sử dụng những chứng từ, tài liệu không đúng với bản chất giao dịch hoặc không đúng với giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, được giảm hoặc số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp;
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
- Cố ý không kê khai hoặc là khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế;
- Sử dụng những hàng hóa thuộc nhóm đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng với mục đích quy định mà không khai báo về việc chuyển đổi mục đích sử dụng tới cơ quan quản lý thuế;
- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh đang trong thời gian ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng lại không thông báo với cơ quan quản lý thuế.
Lưu ý:
Người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế mà sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 141 của Luật này đối với các trường hợp sau đây:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày nhưng không có phát sinh số tiền thuế phải nộp;
- Nộp hồ sơ khai thuế sau thời hạn 90 ngày có phát sinh số tiền thuế phải nộp và đã nộp đủ số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm mà cơ quan thuế ra quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ kê khai thuế.
TRỐN THUẾ BAO NHIÊU THÌ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ?
➤ Theo Điều 136 về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thuế nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự.
➤ Theo Điều 200 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi bởi Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 tội trốn thuế quy định: Nếu có hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng, đồng thời đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội mà luật này quy định khi chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
MỨC PHẠT KHI TRỐN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1. Mức xử phạt hành chính về tội trốn thuế
1.1. Các mức phạt hành chính
➤ Theo Điểm d, Khoản 2 Điều 138 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì mức phạt từ 1 – 3 lần số tiền thuế trốn. Biện pháp để khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn.
➤ Theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt hành vi trốn thuế như sau:
- Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế nếu có từ 1 tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế nhưng sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ những trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 4 và Khoản 5 Điều 13 của Nghị định này;
- Không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai hoặc là khai sai dẫn đến việc thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ các hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này (*);
- Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ những trường hợp người nộp thuế đã khai thuế vào kỳ tính thuế tương ứng, hoặc lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nhưng sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp hay sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
- Sử dụng những chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng những chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc không đúng với giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng với thực tế nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm (**);
- Sử dụng những hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng với mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế tới cơ quan thuế (***);
- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh đang trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng lại không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 10 Nghị định này.
- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế nếu thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ;
- Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế nếu thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này mà có 1 tình tiết tăng nặng;
- Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế nếu thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này mà có 2 tình tiết tăng nặng;
- Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế nếu thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này mà có từ 3 tình tiết tăng nặng trở lên;
Lưu ý:
Các hành vi vi phạm quy định tại (*), (**), (***) ở khoản 1 nêu trên nếu như bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế chưa được hoàn, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Nghị định này.
1.2. Biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi trốn thuế
- Buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 nêu trên.
Trường hợp các hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 nêu trên đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế sẽ không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng sẽ phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp phát sinh tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn được quy định tại Khoản 6 Điều 8 của Nghị định này.
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ khai thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 nêu trên.
1.3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi trốn thuế theo Khoản 2 Điều 137 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:
- Đối với các hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, những hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì thời hiệu xử phạt vi phạm là 5 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;
- Nếu quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế thì người nộp thuế sẽ không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, tiền thuế trốn, tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước tính từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không có đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế còn thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp phát sinh cho toàn bộ thời gian trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
2. Mức xử phạt hình sự về hành vi trốn thuế
Theo Điều 200 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi bởi Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
➤ Đối với cá nhân
- Người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế sau đây với số tiền từ 100.000.000 đồng – dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều sau: 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng – 500.000.000 đồng hoặc sẽ phạt tù từ 3 tháng – 1 năm:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
- Không ghi chép đầy đủ hồ sơ trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi thông tin giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn so với giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
- Sử dụng những hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế để giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
- Sử dụng những chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
- Khai sai với thực tế những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không khai bổ sung lại hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
- Cố ý không kê khai hoặc là khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
- Sử dụng những hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không với đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng tới cơ quan quản lý thuế.
- Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng – 1.500.000.000 đồng hoặc sẽ phạt tù từ 1 – 3 năm:
- Phạm tội có tổ chức;
- Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng – dưới 1.000.000.000 đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trốn thuế;
- Phạm tội từ 2 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Nếu phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng – 4.500.000.000 đồng hoặc sẽ phạt tù từ 2 – 7 năm.
- Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt với số tiền từ 20.000.000 đồng – 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
➤ Đối với pháp nhân
Pháp nhân thương mại nếu phạm tội quy định tại điều này thì bị xử phạt như sau:
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 nêu trên mà trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng – dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng – dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều sau: 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng – 1.000.000.000 đồng;
- Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, d và đ Khoản 2 Điều này, thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng – 3.000.000.000 đồng;
- Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này, thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng – 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng – 3 năm;
- Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Ngoài ra pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt với số tiền từ 50.000.000 đồng – 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động về vốn từ 1 – 3 năm.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Mức phạt khi trốn thuế thu nhập cá nhân. Mọi vấn đề còn vướng mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.
Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488/0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 0967370488/0975422489
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM
Thuế suất thuế gtgt ngành xây dựng năm 2023.
Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng – Luật Đại Nam
Hướng dẫn kê khai bổ sung thuế gtgt theo tt80