Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

by Vũ Khánh Huyền

Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế quan trọng mà các doanh nghiệp không thể không hiểu biết. Trong bài viết hôm nay, cùng Luật Đại Nam tìm hiểu về thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam được quy định như thế nào. Mời quý độc giả cùng theo dõi !

Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) về cơ bản khá đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Chính sách thuế TNDN hiện hành đã góp phần tạo thuận lợi về môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế; điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất – kinh doanh, qua đó góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN); giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, những quy định về thuế TNDN phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Việt Nam đã từng bước giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông qua các lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN theo đúng lộ trình đề ra, giảm từ 28% (trước năm 2009) xuống 25% (từ 01/01/2009), xuống 22% (từ 01/01/2013) và xuống 20% (từ 01/01/2016). Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được áp dụng thuế suất 20% ngay từ 01/7/2013. Việc giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông tuy làm giảm đáng kể nghĩa vụ đóng góp của nhiều doanh nghiệp, nhưng đã có tác động khuyến khích kinh doanh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tích lũy, tăng đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Các quy định về thu nhập chịu thuế góp phần bao quát các nguồn thu nhập phát sinh

Luật Thuế TNDN hiện hành về cơ bản đã bao quát được một số khoản thu nhập mới phát sinh như thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án đầu tư… đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, phản ánh đúng bản chất kinh tế của các khoản thu nhập và cơ sở pháp lý trong việc thực hiện.

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Chính sách thuế TNDN hiện hành cho phép các khoản chi thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và các quy định cũng khá chặt chẽ phù hợp với thực tế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Việc quy định rõ về nguyên tắc xác định chi phí được trừ và quy định cụ thể các khoản chi không được trừ đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong thực thi chính sách.

Việc bỏ quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị… đã đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, bảo hộ hợp lý đối với các DNVVN, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN, chính sách ưu đãi thuế TNDN mở rộng phạm vi về: (i) Thuế suất ưu đãi (bên cạnh việc giảm thuế suất phổ thông); (ii) Đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi; (iii) Loại hình đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) thuộc diện ưu đãi thuế TNDN theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi; (iv) Các khoản thu nhập được hưởng ưu đãi như miễn, giảm thuế và (v) Lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được ưu đãi thuế và các điều kiện để được áp dụng ưu đãi thuế nhằm hướng tới hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính sách thuế TNDN hiện hành đã phản ánh đúng bản chất kinh tế của các khoản thu và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng các khoản thu nhập được miễn thuế hoàn toàn, giảm thuế suất, giảm số thuế phải nộp cũng được mở rộng hơn.

Chính sách thuế tạo thêm nhiều ưu đãi, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các hoạt động đầu tư phát triển. Với nguyên tắc chuyển từ ưu đãi theo pháp nhân (doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư) sang ưu đãi theo dự án đầu tư mới của doanh nghiệp, phạm vi ưu đãi đối với hoạt động đầu tư mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN số 32/2013 sẽ rộng hơn so với Luật số 14/2008, mặt khác sửa đổi này đảm bảo sự nhất quán giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế TNDN, hạn chế được các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn vừa qua.

Bên cạnh việc ưu đãi cho thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, Luật Thuế TNDN sửa đổi bổ sung quy định miễn thuế, giảm thuế đối với hình thức đầu tư mở rộng để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tế, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư mở rộng. Ngoài ra, Luật Thuế TNDN đã mở rộng phạm vi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được ưu đãi thuế1.

Một số hạn chế, tồn tại

Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật Thuế TNDN đã thực hiện đúng lộ trình mà Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020 đặt ra. Từ ngày 01/01/2009 thuế suất thuế TNDN phổ thông giảm từ 28% xuống 25% và từ 01/01/2014 giảm từ 25% xuống 22% và 20% từ 01/01/2016. Riêng DNNVV được áp dụng mức 20% ngay từ ngày 01/7/2013 (sớm hơn so với lộ trình nêu trên). Tuy nhiên, mức thuế suất 20% đối với DNVVN chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và cần thiết phải sửa đổi vì: DNNVV chiếm gần 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và 97% nếu xét theo tiêu chí lao động, do đó giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân đã nộp cho ngân sách nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Xu hướng điều chỉnh thuế suất đối với DNVVN hiện nay cho thấy chính phủ nhiều nước đã áp dụng mức thuế suất thuế cho DNNVV thấp hơn mức thuế suất thuế TNDN phổ thông (phổ biến ở các mức 10%, 15%, 17%, 19% và 20%). Để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với nguyên tắc được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và đảm bảo khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp với DNNVV là cần thiết.

 Chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Khoản chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (quy định vốn mỏng)

Do xu hướng phát triển và vận động của nền kinh tế, cũng như thông lệ quốc tế, việc quy định về chi phí lãi vay ở Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế. Cụ thể, Luật Thuế TNDN hiện hành không có quy định khống chế khoản chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (tình trạng vốn mỏng, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất ít).

Thực tế nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất – kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách. Sự thiếu hụt những quy định chặt chẽ về chi phí lãi vay đang là lỗ hổng, làm xói mòn cơ sở thuế của Việt Nam. Đặc biệt khi các doanh nghiệp liên kết, các công ty mẹ ở nước ngoài (tại các thiên đường thuế), hoặc các công ty mẹ tại Việt Nam liên tục báo thua lỗ, kê khai lãi không nhiều khiến ngân sách thất thu.

Chi cho các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp

Chính sách thuế TNDN hiện hành chưa có quy định khoán về khoản chi cho các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, cũng là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Tiềm năng của thị trường rất lớn và hấp dẫn nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn rất khó nắm bắt cơ hội phát triển.

Hoạt động cung cấp dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm nội dung số là một trong những ngành có tính chất chiến lược, vì vậy các nước đã áp dụng các chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm nhằm khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này. Do đó, cần thiết bổ sung chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động này để khuyến khích doanh nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tới

Giảm thuế suất ở mức hợp lý

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cải cách thuế TNDN theo hướng giảm dần và hiện tại mức thuế suất thuế TNDN phổ thông (20%) cũng khá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao nên việc tiếp tục giảm mức thuế suất phổ thông không còn là biện pháp hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay. Áp dụng mức thuế suất thuế TNDN trong khoảng 15% đối với DNNVV nhằm phù hợp với tình hình thực tế và cũng không mâu thuẫn với dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Việc giảm thuế suất thuế TNDN đối với DNNVV từ 20% xuống 15% sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên mức độ giảm thu là không đáng kể do mức đóng góp của cộng đồng DNNVV vào ngân sách trong thời gian qua không quá lớn.

Ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đầu tư

Các chính sách ưu đãi thuế cần được rà soát, hoàn thiện theo hướng khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học – công nghệ và hỗ trợ nhiều hơn cho DNNVV. Việt Nam cần hướng tới việc mở rộng cơ sở thuế TNDN (như đối với hoạt động thương mại điện tử, giao dịch điện tử, hoạt động quảng cáo, mua bán hàng qua mạng, bổ sung quy định vốn mỏng, các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế…), vì đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất nhằm hướng tới mục tiêu bao quát nguồn thu phát sinh, qua đó làm tăng thu ngân sách từ thuế TNDN, đồng thời bắt kịp với sự phát triển kinh tế.

Quy định vốn mỏng sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình nội tại của nền kinh tế

Pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng về khống chế khoản chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất – kinh doanh gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Hiện nay, tình hình hoạt động của doanh nghiệp niêm yết vẫn có xu hướng khả quan, bước đầu cải thiện về lợi nhuận. Cơ cấu nợ vay trong tổng tài sản có xu hướng giảm, đòn bẩy tài chính đã được sử dụng hiệu quả hơn ở nhiều ngành dẫn tới chi phí lãi vay có xu hướng giảm giúp doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí. Để đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá, cần bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng, được áp dụng tỷ lệ cao hơn, song không quá 12 lần vốn chủ sở hữu và áp dụng từ 01/01/2019.

Bổ sung khoản chi cho các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hoạt động nâng cao năng lực là một trong những công cụ để doanh nghiệp phát triển bền vững (bao gồm xây dựng năng lực chuyên môn, nâng cao quy trình, hệ thống và quy tắc nhằm tác động đến hiệu suất, hiệu quả làm việc…). Các quốc gia coi chi phí này là cần thiết nhằm cải thiện chất lượng của doanh nghiệp, do đó được quy định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Xem xét việc bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới cung cấp một số dịch vụ phần mềm quan trọng và sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số như: Áp thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo, đồng thời quy định chi tiết một số dịch vụ phần mềm quan trọng và nội dung thông tin số cần ưu tiên phát triển để có cơ sở thực hiện phù hợp với thực tế.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam . Mọi vấn đề còn vướng mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.

Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488/0975422489

– Yêu cầu dịch vụ: 0967370488/0975422489

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

Thuế suất thuế gtgt ngành xây dựng năm 2023.

Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng – Luật Đại Nam

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Hướng dẫn kê khai bổ sung thuế gtgt theo tt80

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488