Bị đơn trong tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?

by Hồng Hà Nguyễn

Hòa giải là một trong các thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cùng Luật Đại Nam tìm hiểu quy định phap luật về quyền của bị đơn trong thủ tục hòa giải tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Bị đơn trong tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?

Bị đơn trong tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Luật trọng tài thương mại năm 2010

Quyền của bị đơn trong việc hòa giải tranh chấp thương mại

Quyền không tham gia hòa giải

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) có hai nhóm thủ tục giải quyết vụ án dân sự là thủ tục thông thường và thủ tục rút gọn. Trừ trường hợp vụ án mà pháp luật quy định “không được hòa giải” hoặc “không tiến hành hòa giải được” thì hòa giải chỉ được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với thủ tục thông thường và hòa giải tại phiên tòa sơ thẩm đối với thủ tục rút gọn.

Đối với vụ án “không được hòa giải” thì thẩm phán phải bỏ qua thủ tục mở phiên họp hòa giải. Nhưng đối với một số trường hợp vụ án “không tiến hành hòa giải được” thì về nguyên tắc, thẩm phán phải làm thủ tục mở phiên hòa giải nhưng không tiến hành hòa giải. Như vậy, ngoại trừ hai trường hợp luật quy định không được hòa giải theo Điều 206 của BLTTDS 2015, thì đối với thủ tục thông thường thì sau khi thụ lý, một trong những thủ tục bắt buộc phải tiến hành là thẩm phán phải gửi cho các đương sự (trong đó có bị đơn) thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, để chuẩn bị thủ tục hòa giải.

Kể từ thời điểm này, bị đơn có thể tự định đoạt và quyết định không tham gia hòa giải, để vụ án không tiến hành hòa giải được theo hai hướng:

  • Thứ nhất, chủ động vắng mặt tại phiên hòa giải;
  • Thứ hai, chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải.

Trường hợp thứ nhất, bị đơn chủ động vắng mặt tại phiên hòa giải.

Chủ động vắng mặt tại phiên hòa giải có thể được thực hiện bằng cách cố ý vắng mặt mà không thông báo cho tòa án hoặc vắng mặt có thông báo với lý do chính đáng. Quyền chủ động này không được liệt kê trực tiếp trong nhóm quyền của bị đơn, nhưng gián tiếp được thừa nhận thông qua trường hợp không tiến hành hòa giải được tại khoản 1 và khoản 2 Điều 207 của BLTTDS 2015 về khi“đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt” hoặc “không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng”.

Đối với trường hợp “đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”, bị đơn có quyền không thông báo với tòa án là mình sẽ vắng mặt. Đây là quyền của bị đơn, vì bị đơn hoàn toàn không bị chế tài nào và cũng không mất đi quyền được tham gia thỏa thuận trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

Đối với trường hợp bị đơn không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng thì cũng xem như vụ án không tiến hành hòa giải được. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bị đơn phải thông báo cho tòa án lý do chính đáng không thể tham gia hòa giải được. Đây cũng là trường hợp chủ động không tham gia hòa giải, nhưng có lý do chính đáng, chứ không phải cố ý vắng mặt. Trường hợp này thì BLTTDS không xác định số lần vì lý do chính đáng để không tiến hành hòa giải, trong khi đó, nếu bị đơn cố ý vắng mặt lần thứ hai khi Tòa án triệu tập hợp lệ thì sẽ xem như vụ án không tiến hành hòa giải được.

Trong thủ tục rút gọn, quyền không tham gia hòa giải trên cơ sở chủ động cố ý vắng mặt hoặc vắng mặt có lý do chính đáng chỉ được thực hiện tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Bởi vì, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, không có thông tin về việc đương sự sẽ được hòa giải tại phiên tòa. Do đó, trước khi phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn được khai mạc, đương sự hoàn toàn không được chủ động quyết định sẽ vắng mặt trong phiên hòa giải. Như vậy, trong trường hợp này, chỉ có thể áp dụng tương tự khi đương sự cố ý vắng mặt tại phiên tòa (đồng nghĩa với cố ý vắng mặt do tòa án triệu tập hợp lệ), vắng mặt, không thể tham gia phiên tòa vì có lý do chính đáng (đồng nghĩa với việc không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng) hoặc đương sự đề nghị xét xử vắng mặt (đồng nghĩa với việc đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải).

Trường hợp thứ hai, bị đơn có quyền chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải.

Đây là quyền chung của đương sự, trong đó có quyền của bị đơn, được ghi nhận tại khoản 4 Điều 207 của BLTTDS 2015. Quyền này cũng được thực hiện kể từ khi bị đơn nhận được thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Cụ thể, khi bị đơn đã chủ động yêu cầu tòa án không hòa giải thì tòa án sẽ không tiến hành thủ tục mở phiên hòa giải. Điều này có nghĩa là bị đơn vẫn có thể có mặt tham gia phiên họp để thực hiện thủ tục kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, nhưng không có thủ tục hòa giải. Trường hợp này khác với trường hợp đương sự chủ động cố ý vắng mặt hoặc có lý do chính đáng để vắng mặt. Bởi vì trường hợp đương sự chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải thì tòa án sẽ không làm thủ tục mở phiên họp hòa giải và không tiếp tục thông báo cho các đương sự để tiến hành hòa giải trong thời gian còn lại của giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Theo thủ tục rút gọn, bị đơn cũng có quyền chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải theo quy định tại Khoản 4 Điều 207. Thế nhưng, quyền này phải thực hiện tại phiên tòa. Bởi vì trước khi mở phiên tòa, bị đơn không được thông tin trong các Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn.

> Xem thêm: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

Trong tố tụng trọng tài, Điều 9 của Luật TTTM 2010: “Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp”. Như vậy, các bên (trong đó có bị đơn) có quyền không tham gia hòa giải nếu không có hành vi yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải. Do đó, dù nguyên đơn có yêu cầu hòa hòa giải, nhưng bị đơn không yêu cầu hòa giải thì Hội đồng trọng tài không tiến hành hòa giải.

Quyền tham gia hòa giải

Tham gia hòa giải do tòa án tiến hành là một trong các quyền của đương sự nói chung được quy định tại khoản 11 Điều 70 của BLTTDS 2015. Như vậy, trừ các trường hợp vụ án không được hòa giải (Điều 206) và vụ án không tiến hành hòa giải được (Điều 207) thì tòa án phải tiến hành hòa giải để đảm bảo quyền tham gia hòa giải của các đương sự, trong đó có bị đơn. Tuy nhiên, quyền này chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý tham gia hòa giải của một hoặc các đương sự khác. Nếu tất cả các đương sự khác không đồng ý tham gia hòa giải thì bị đơn không thể thực hiện quyền này.

Theo khoản 3 Điều 212 của BLTTDS 2015, “Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản”. Căn cứ vào quy định này, vẫn có trường hợp BLTTDS 2015 cho phép thẩm phán tiến hành hòa giải trong trường hợp có đương sự vắng mặt.

Kết luận

Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề trên. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề pháp lý có liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi về đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489

– Hotline: 02462.544.167

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488