Quy tắc hoà giải tranh chấp thương mại quốc tế

by Hồng Hà Nguyễn

Tranh chấp thương mại quốc tế là vấn đề xảy ra thường xuyên trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Giải quyết các tranh chấp này, ngoài phán quyết của Tòa án còn có các cơ quan khác như Trọng tài Kinh tế, trọng tài thương mại, nếu doanh nghiệp không hòa giải, thương lượng được với nhau. Vậy quy tắc hòa giải trong tranh chấp thương mại quốc tế là gì?

Quy tắc hoà giải tranh chấp thương mại quốc tế

Quy tắc hoà giải tranh chấp thương mại quốc tế

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 22/2017/NĐ-CP
  • Luật Trọng tài thương mại 2010

Đặc điểm của hòa giải tranh chấp thương mại

Đặc điểm của hình thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải:

  • Phương thức hòa giải khác thương lượng ở chỗ có sự tham gia của nhân tố trung gian. Người trung gian này không có vai trò quyết định trong việc giải quyết tranh chấp mà chỉ là người hỗ trợ, giúp đỡ cho các bên trong việc tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp, còn việc giải quyết tranh chấp vẫn là do các bên quyết định.
  • Hoà giải viên đương nhiên phải là người không có quyền lợi liên quan đến vụ tranh chấp và phải hoàn toàn trung lập. Tính trung lập của hoà giải viên tạo nên sự tin  cậy của các bên tranh chấp khi yêu cầu hoà giải bất đồng của mình.
  • Hòa giải cũng không chịu sự chi phối của bất kỳ một thủ tục tố tụng pháp lý nào mà do các bên tranh chấp tự quyết định. Kết quả của quá trình hòa giải thành cũng chỉ là sự thỏa thuận của các bên có tranh chấp và việc thực hiện thỏa thuận này cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên mà không có bất kỳ một quyết định pháp lý nào.

Những nguyên tắc cơ bản của hòa giải trong thương mại

Hòa giải mang tính chất tự nguyện

Các bên tham gia vào quy trình hòa giải trên tinh thần tự nguyện, không bên nào có thể ép buộc bên nào tham gia vào phương thức này. Sự tự nguyện còn được thể hiện ở việc các bên có thể quyết định hoàn toàn quy trình hòa giải. Về nguyên tắc, sau khi được các bên lựa chọn, hòa giải viên sẽ gợi ý và hướng dẫn các bên về quy trình thủ tục hòa giải mà hòa giải viên dự định tiến hành. Tuy nhiên, các bên có quyền đề xuất với hòa giải viên những thay đổi cần thiết cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Cuối cùng, các bên hoàn toàn quyết định về việc giải quyết nội dung vụ tranh chấp. Khác với trọng tài viên, hòa giải viên không có quyền xét xử và ra phán quyết mà kết quả giải quyết vụ tranh chấp phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Tùy thuộc mô hình hòa giải và phong cách mà từng hòa giải viên áp dụng, hòa giải viên có thể cung cấp những nhận định, đánh giá về nội dung vụ tranh chấp cũng như ý kiến tư vấn về cách thức giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, những nhận định và ý kiến của hòa giải viên chỉ có tính chất tham khảo và không có tính chất ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Việc các bên có đi đến thỏa thuận hòa giải hay không và nội dung của thỏa thuận đó sẽ do các bên tự quyết định.

Hòa giải mang tính bí mật

Khi tham gia vào quá trình hòa giải, các bên phải ký cam kết không tiết lộ những thông tin có được từ quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì những thông tin có được trong quá trình hòa giải sẽ không thể trở thành bằng chứng để chống lại một trong các bên. Bản thân hòa giải viên cũng phải cam kết giữ bí mật tất cả những thông tin do các bên cung cấp trong quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì các bên cũng không được yêu cầu triệu tập hòa giải viên với tư cách nhân chứng cho vụ tranh chấp.

Hòa giải viên phải độc lập và khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của quá trình hòa giải. “Độc lập” và “khách quan” không có nghĩa hòa giải viên và một hay cả hai bên tranh chấp không quen biết nhau, trên thực tế hòa giải viên và các bên tranh chấp có thể cùng hoạt động trong một lĩnh vực. Nguyên tắc này đòi hỏi hòa giải viên không được thể hiện thái độ thiên vị đối với bất cứ bên tranh chấp nào trong việc điều khiển quá trình hòa giải cũng như trong việc đưa ra các nhận định hay ý kiến tư vấn. Trong trường hợp một trong các bên cảm thấy hòa giải viên vi phạm nguyên tắc độc lập và khách quan, bên đó có quyền yêu cầu thay đổi hòa giải viên hoặc yêu cầu chấm dứt và rút lui khỏi quá trình hòa giải.

Hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác

Tùy thuộc vào yêu cầu của bản quy tắc hòa giải của từng trung tâm hòa giải, nhìn chung, việc sử dụng phương thức hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài hay Tòa án. Các bên có thể tiến hành hòa giải song song với quá trình tố tụng trọng tài hay Tòa án. Đây cũng chính là một điểm hấp dẫn thể hiện sự linh hoạt của phương thức này.

Các phương thức hòa giải trong tranh chấp thương mại quốc tế

  • Tự hòa giải: theo đó các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết cuối cùng mà không cần sự can thiệp của một bên khác.
  • Hòa giải qua trung gian: là việc các bên tranh chấp được tiến hành hòa giải mà có sự hỗ trợ, giúp đỡ bên khác như Tòa án, Trọng tài.
  • Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, Trọng tài trước khi đưa đơn khởi kiện.

Theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 quy định về hòa giải thương mại, thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP

  • Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, Trọng tài khi các cơ quan này tiến hành giải quyết tranh chấp theo đơn khởi kiện của một bên.

Đây là trường hợp các bên đã lựa chọn giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng trọng tài (Theo Luật Trọng tài thương mại 2010).

Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.

Kể từ thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài, các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

>>xem thêm: Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiện nay

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp thương mại

Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP , trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải được quy định như sau:

  • Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải.
  • Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.
  • Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.
  • Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.
  • Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
  • Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.
  • Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự
  • Chấm dứt hòa giải thành

Kết luận

Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề trên. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề pháp lý có liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi về đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489

– Hotline: 02462.544.167

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488