Bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

by Hồng Hà Nguyễn

Bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là vấn đề rất quan trọng hiện nay, bởi sự ra đời và phát triển của hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm âm nhạc, dẫn đến rủi ro bị xâm phạm quyền lợi khi chủ thể có quyền không đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc cũng rất lớn. Cùng với Luật Đại Nam tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ

Tác phẩm âm nhạc là gì?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 về “Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả”, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ thì “4. Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

Như vậy, có thể hiểu rằng, tác phẩm âm nhạc không nhất định phải thể hiện ở dạng hữu hình là các nốt, các ký tự âm nhạc mà còn có thể được thể hiện ở dạng âm thanh, và không bắt buộc phải được trình diễn.

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là gì?

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là một dạng quyền tác giả nói chung, được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung các năm 2009, 2019, 2022 (Sau đây gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung”) như sau: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung.

Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm âm nhạc do mình sáng tác hoặc sở hữu, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm âm nhạc đó.

Quy định pháp luật về đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Chủ thể được đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Về nguyên tắc, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo mà không phụ thuộc vào việc đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tuy nhiên, pháp luật luôn khuyến khích người dân tiến hành đăng ký bản quyền tác giả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 về “Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung, chủ thể được đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là các chủ thể được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm:

“1. Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.”

Như vậy, chủ thể được đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Cụ thể hơn, đó có thể là tổ chức, cá nhân trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc hoặc là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc theo quy định pháp luật.

Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 về “Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung, hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc bao gồm:

“2. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;

d) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

3. Tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.”

Như vậy, để đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, chủ thể có quyền cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, hồ sơ đăng ký theo quy định pháp luật.

Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định về “Thủ tục cấp, cấp lại và cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan”, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc gồm các bước cơ bản như sau:

Bước 01: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký theo quy định đúng quy định pháp luật đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

Bước 02: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.

Bước 03: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả; 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, gửi trả lại cho tổ chức, cá nhân được cấp như một tài liệu đính kèm không tách rời Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Như vậy, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc đã được pháp luật ghi nhận cụ thể với các bước như trên.

Nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ nội dung Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung, nội dung quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền nhân thân trong quyền tác giả bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

>> Xem thêm: Quyền khởi kiện tranh chấp cổ đông

Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tài sản trong quyền tác giả, bao gồm: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm; Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào mà pháp luật cho phép; Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình dưới hình thức pháp luật cho phép; Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.

Như vậy, nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản được pháp luật quy định cụ thể.

Kết luận

Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề trên. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề pháp lý có liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi về đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489

– Hotline: 02462.544.167

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488