Đặt tên cho hộ kinh doanh là vấn đề được nhiều người quan tâm trong giai đoạn tiền thành lập. Vậy làm cách nào để đặt tên hộ kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật? Luật Đại Nam sẽ giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
- Bộ luật dân sự 2015.
- Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Hiểu như thế nào về hộ kinh doanh?
Hộ kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Như vậy, hộ kinh doanh sẽ được thành lập do một cá nhân hoặc các thành viên trong hộ gia đình. Hộ kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình khi có nghĩa vụ tài sản hay khoản nợ được hình thành trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh sẽ không có tư cách pháp nhân nhưng có tư cách pháp lý kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Đặt tên hộ kinh doanh như thế nào là đúng pháp luật?
Hiện nay việc đặt tên của hộ kinh doanh cần tuân thủ theo quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, tên hộ kinh doanh cần:
– Đầy đủ hai thành tố theo thứ tự: “Hộ kinh doanh + Tên riêng của hộ kinh doanh”.
Ví dụ: Hộ kinh doanh Thành Phát.
– Sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, và có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
– Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
– Không được sử dụng các cụm từ “công ty” , “doanh nghiệp” để đặt tên cho hộ kinh doanh.
– Không đươc sử dụng tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật về việc đặt tên cho hộ kinh doanh có nhiều nét tương đồng với đặt tên doanh nghiệp. Pháp luật đều không cho phép chủ sở hữu đặt tên gây ra sự nhầm lẫn hoặc trái với đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục. Từ đó, vừa bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức đã thành lập trước đó, vừa tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ và chi tiết hơn.
Việc tuân thủ quy định pháp luật về đặt tên hộ kinh doanh là điều cần thiết. Vì vậy, nếu chủ sở hữu sơ ý hoặc cố tình vi phạm sẽ bị xem là hồ sơ không hợp lệ, không được Cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận từ đó không thể thành lập hộ kinh doanh.
Trong trường hợp quý khách hàng gặp khó khăn trong việc đặt tên cho hộ kinh doanh của mình có thể liên hệ ngay với Luật Đại Nam giải đáp thắc mắc qua các phương thức như hotline, email (được đính kèm ở cuối bài viết này) hoặc tham khảo dịch vụ thành lập hộ kinh doanh của chúng tôi để tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.
Xử lý vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh
Khi thành lập hộ kinh doanh hay bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào thì việc chủ sở hữu có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về các vấn đề pháp lý là điều nên và cần làm để tránh những rủi ro không đáng có. Sau đây, Luật Đại Nam xin cung cấp cho quý độc giả một số mức phạt khi vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh. Từ đó, giúp quý độc giả có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề này.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
+ Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
+ Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;
+ Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
+ Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Không những vậy, các trường hợp vi phạm sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
+ Buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
+ Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp chưa đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Trên đây là bài tư vấn về vấn đề “Đặt tên hộ kinh doanh như thế nào là đúng pháp luật?” do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về thành lập doanh nghiệp quý độc giả vui lòng liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Xem thêm: