Giải thể doanh nghiệp là gì? Điều kiện để giải thể doanh nghiệp

by Lê Quỳnh

Luật Đại Nam  sẽ giải đáp các thắc mắc về giải thể doanh nghiệp qua bài viết giải thể doanh nghiệp là gì? Điều kiện để giải thể doanh nghiệp sau đây. Qua đó bổ sung đến quý bạn đọc những kiến thức pháp lý chuyên sâu và góc nhìn tổng quan hơn đối với vấn đề đang nhắc đến. Mời theo dõi!

Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Giải thể doanh nghiệp là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa quy định về khái niệm của giải thể doanh nghiệp, tuy nhiên, căn cứ theo tình hình thực tế và các quy định pháp luật khác có liên quan thì có thể hiểu đơn giản như sau:

Giải thể doanh nghiệp là sự hoạt động và tồn tại của một doanh nghiệp hoặc một pháp nhân bị chấm dứt theo các điều kiện và trường hợp cụ thể. Khi giải thể, doanh nghiệp hoặc pháp nhân cần thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục do pháp luật hiện hành quy định.

Giải thể doanh nghiệp là gì? Điều kiện để giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là gì? Điều kiện để giải thể doanh nghiệp

 

Điều kiện để giải thể doanh nghiệp?

Điều kiện là một yếu tố, quy chuẩn cần có để một sự kiện hoặc hành động nào đó xảy ra. Tương tự như vậy, điều kiện để giải thể doanh nghiệp sẽ là tập hợp các yếu tố, quy chuẩn và các trường hợp để hành động pháp lý giải thể bị diễn ra.  Cụ thể được quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Như vậy, điều kiện để doanh nghiệp giải thể là: thuộc các trường hợp bị giải thể theo quy định tại khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 và khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác, cũng như không có các tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Thủ tục giải thể doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp bị giải thể do các lý do khác không vì bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì sẽ được thực hiện theo trình tự cụ thể sau (căn cứ theo Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020).

Bước 1: Thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp. 

Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

– Lý do giải thể;

– Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;

– Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

– Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị;

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp.

Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan.

Lưu ý: Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 2: Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp.

Nếu Điều lệ có quy định thành lâp tổ chức thanh lý tài sản riêng thì doanh nghiệp thực hiện theo Điều lệ.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp;

Trình tự thanh lý tài sản sẽ tuân thủ theo khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020.

Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có).

Nếu sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết, quyết định giải thể mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề giải thể doanh nghiệp là gì? Điều kiện để giải thể doanh nghiệp do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488