Hộ kinh doanh có thể mở chi nhánh không?

by Trần Giang

Sau khi được thành lập, rất nhiều hộ kinh doanh có mong muốn được mở rộng quy mô cho hộ, hay việc mở chi nhánh được thực hiện như thế nào. Để giải đáp các thắc mắc trên, hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu qua bài viết: Hộ kinh doanh có thể mở chi nhánh không?

Hộ kinh doanh có thể mở chi nhánh không?

Hộ kinh doanh có thể mở chi nhánh không?

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
  • Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Hộ kinh doanh là gì ?

  • Hộ kinh doanh không phải là một trong năm loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Hiện nay không có quy định pháp luật nào nào định nghĩa về hộ kinh doanh.
  • Tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.

Như vậy, có thể thấy hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ do hộ gia đình thực hiện đăng ký kinh doanh.

Đặc điểm của hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ

  • Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của một cá nhân và cá nhân có toàn quyền quyết định trong mọi hoạt động kinh doanh.
  • Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của nhiều chủ. Hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do các thành viên trong nhóm hoặc các thành viên trong hộ gia đình quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người làm đại diện để thực hiện giao dịch với chủ thể khác.

Quy mô của hộ kinh doanh thường nhỏ

Đa phần hộ kinh doanh ở Việt Nam thường tổ chức hoạt động kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng ít lao động.

Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân

Theo điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đủ 4 điều kiện sau:

  • Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.
  • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo quy định trên, pháp nhân sẽ chịu trách nhiệm đối với tài sản riêng của mình trong khi hộ kinh doanh không có tài sản độc lập, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình chịu trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh vì vậy không thể có tư cách pháp nhân.

Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh

  • Bản chất của trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của hộ kinh doanh cũng giống như trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân. Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản mà mình có gồm cả những tài sản không đưa vào hoạt động kinh doanh.
  • Tuy nhiên khác với doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm vô hạn của hộ kinh doanh có sự phân tán rủi ro cho nhiều thành viên trong trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ. Khi đó, tất cả các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi nghĩa vụ tài chính của hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh có thể mở chi nhánh không ?

Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

  • Chi nhánh là một đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, chi nhánh không có tư cách pháp nhân.
  • Như đã đề cập ở trên, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên chi nhánh không thể trực thuộc hộ kinh doanh được. Do đó, hộ kinh doanh không thể mở thêm chi nhánh để hoạt động. Nếu muốn mở thêm chi nhánh, hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp.

Mở địa điểm kinh doanh cho hộ kinh doanh

Khoản 2 Điều 84 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

“2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”

Như vậy, hộ kinh doanh có thể mở nhiều địa điểm kinh doanh tại các địa bàn khác. Khi mở thêm địa điểm, hộ kinh doanh lưu ý những điều sau:

  •  Sau khi mở địa điểm kinh doanh, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan quản lý thuế (cụ thể là cơ quan thuế tại phường, xã nơi đặt địa điểm) và cơ quan quản lý thị trường cấp quận/huyện.
  • Hộ kinh doanh không phải thông báo và làm thủ tục mở địa điểm kinh doanh đối với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Luật Đại Nam với hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách hàng các dịch vụ liên quan đến hộ kinh doanh cũng như giải đáp thắc mắc về vấn đề: Hộ kinh doanh có thể mở chi nhánh không?

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Hộ kinh doanh có thể mở chi nhánh không? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488