Một trong những hình thức quản lý mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình là hợp đồng EPC, viết tắt của “Engineering, Procurement, and Construction,” tức là hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, và thi công xây dựng công trình. Để hiểu rõ hơn về EPC và để triển khai nó thành công, chúng ta cần hiểu những nguyên tắc và quy định áp dụng trong việc chuẩn bị, ký kết, và quản lý hợp đồng này.
Nội Dung Chính
Quy định về hợp đồng EPC và tổng thầu EPC
Hợp đồng EPC
Theo Nghị định 37/2015/NĐ-CP hiện nay quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, ban hành ngày 22/4/2015, Hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC) là “hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng”.
Trong khi các hợp đồng thông thường thường chia thành từng phần riêng lẻ cho thiết kế, mua sắm vật tư và xây lắp, hợp đồng EPC là một tài liệu tổng hợp, bao gồm tất cả các phần trên. Hình thức hợp đồng EPC này đã trở nên phổ biến trong việc đầu tư các dự án công nghiệp tại Việt Nam, được sử dụng bởi nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước.
Trong một mẫu hợp đồng EPC điện mặt trời (hợp đồng thầu chính), bên giao thầu là chủ đầu tư còn bên nhận thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính.
Tổng thầu EPC nghĩa là gì?
Trong một công trình của chủ đầu tư, chủ đầu tư có thể ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Nhà thầu trúng gói thầu EPC (tổng thầu EPC) phải chịu trách nhiệm thực hiện dự án hoàn chỉnh trước chủ đầu tư, từ quá trình thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng và chạy thử đến khi bàn giao công trình để vận hành.
Tổng thầu EPC có thể tự thực hiện tất cả các công đoạn hoặc thuê các nhà thầu phụ để triển khai các hạng mục khác nhau của dự án. Nếu tổng thầu, nhà thầu thực hiện ký hợp đồng với một/một số nhà thầu phụ (Hợp đồng thầu phụ), các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận. Tất cả các đơn vị, bao gồm cả tổng thầu, nhà thầu chính và những nhà thầu phụ, đều chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ và chất lượng của các công việc mà họ đã cam kết thực hiện trong dự án.
Quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu trong hợp đồng EPC
Quyền của bên giao thầu EPC:
– Từ chối nghiệm thu sản phẩm không đạt chất lượng theo hợp đồng; không nghiệm thu những thiết bị công nghệ không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ và các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
– Kiểm tra việc thực hiện các công việc của bên nhận thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu.
– Tạm dừng việc thực hiện công việc theo hợp đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả khi phát hiện bên nhận thầu thực hiện công việc vi phạm các nội dung đã ký kết trong hợp đồng hoặc các quy định của nhà nước.
– Yêu cầu bên nhận thầu bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
– Xem xét, chấp thuận danh sách các nhà thầu phụ đủ điều kiện năng lực chưa có trong hợp đồng EPC theo đề nghị của bên nhận thầu.
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của bên giao thầu EPC:
– Thanh toán cho bên nhận thầu theo tiến độ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng.
– Cử và thông báo bằng văn bản cho bên nhận thầu về nhân lực chính tham gia quản lý và thực hiện hợp đồng.
– Cung cấp cho bên nhận thầu thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc (nếu có)
– Đối với hợp đồng EPC được xác lập thông qua lựa chọn nhà thầu EPC ngay sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt: Nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kịp thời các thiết kế được triển khai sau thiết kế cơ sở đã được người quyết định đầu tư quyết định khi phê duyệt dự án.
– Xin giấy phép xây dựng theo quy định, bàn giao mặt bằng sạch cho bên nhận thầu theo tiến độ thực hiện hợp đồng.
– Giám sát việc thực hiện công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định.
– Thỏa thuận với bên nhận thầu về hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị công nghệ (nếu có thỏa thuận trong hợp đồng).
– Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn theo quy định.
– Bảo đảm quyền tác giả đối với các sản phẩm tư vấn theo hợp đồng.
– Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình.
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu EPC
Quyền của bên nhận thầu EPC:
– Yêu cầu bên giao thầu cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện làm việc (nếu có) liên quan đến công việc của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
– Được đề xuất với bên giao thầu về những công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết khi chưa được hai bên thống nhất hoặc những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu.
– Tổ chức, quản lý thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của bên nhận thầu EPC:
– Cung cấp đủ nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị và các phương tiện cần thiết khác để thực hiện các công việc.
– Tiếp nhận, quản lý, bảo quản, bàn giao lại các tài liệu, phương tiện do bên giao thầu cung cấp (nếu có)
– Thông báo cho bên giao thầu về thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện làm việc không đảm bảo ảnh hưởng đến công việc.
– Giữ bí mật các thông tin liên quan đến hợp đồng.
– Thực hiện công việc đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ.
– Lập các thiết kế được triển khai sau thiết kế cơ sở đã được người quyết định đầu tư quyết định.
– Tổ chức việc mua sắm, chế tạo và cung cấp thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu và tiến độ
– Lựa chọn nhà thầu phụ (nếu có) thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu trình chủ đầu tư chấp thuận
– Thỏa thuận và thống nhất với chủ đầu tư về nội dung hồ sơ mời thầu mua sắm các thiết bị công nghệ (nếu có)
– Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình, chuyển giao công nghệ và dịch vụ kỹ thuật kèm theo (nếu có)
– Thực hiện các công việc thử nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành chạy thử đồng bộ công trình và bàn giao công trình hoàn thành cho bên giao thầu theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
– Đảm bảo các sản phẩm do mình cung cấp không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
– Bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng cho bên giao thầu.
>>Xem thêm:
- Mẫu hợp đồng xuất khẩu gạo theo điều kiện CIF
- Mẫu hợp đồng ủy thác xuất khẩu
- Mẫu hợp đồng mua bán điện thoại
- Mẫu hợp đồng tư vấn xây dựng
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Hợp đồng EPC là gì. Mọi vấn đề còn vướng mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.
Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488/0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com