Phá sản tổ chức tín dụng là hành động gây ảnh hưởng đến người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền cá nhân. Không chỉ vậy, nó còn là nhân tố khiến cho đời sống kinh tế – xã hội của quốc gia đó bị thay đổi đột ngột, gây ra nhiều hệ lụy xấu. Vậy thủ tục phá sản tổ chức tín dụng diễn ra như thế nào? Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết hướng dẫn thủ tục phá sản tổ chức tín dụng dưới đây!
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật Phá sản 2014.
- Luật Tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung 2017).
- Nghị định 05/2010/NĐ-CP về quy định việc áp dụng luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng.
Khi nào tổ chức tín dụng bị phá sản?
Tổ chức tín dụng sẽ phá sản theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Luật Tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
1. Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Theo đó, việc phá sản của các tổ chức tín dụng dựa trên các yếu tố:
– Tổ chức tín dụng không còn khả năng thanh toán khi các khoản nợ đến hạn và chủ nợ có yêu cầu.
– Đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán nhưng không thể vượt qua tình trạng khó khăn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán.
Hướng dẫn thủ tục phá sản tổ chức tín dụng
Hành động phá sản tổ chức tín dụng sẽ diễn ra khi người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.
Theo đó, trình tự, thủ tục phá sản sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm: Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần; người lao động làm việc trong TCTD; chủ sở hữu của TCTD nhà nước, cổ đông của TCTD cổ phần hoặc đại diện hợp pháp của TCTD.
Với hai phương thức nộp đơn là: trực tiếp tại Trụ sở Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền giải quyết (Cấp Tỉnh) và thông qua đường bưu điện.
Bước 2: Tòa án nhận đơn và thụ lý.
Chánh án Tòa án nhân dân sẽ tiến hành phân công một Thẩm phán hoặc một Tổ Thẩm phán (gồm 03 người) giải quyết đơn yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo cho NHNN biết. Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, NHNN phải có văn bản về việc có hoặc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của TCTD hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt.
Bước 3: Mở thủ tục phá sản.
Với thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Thẩm phán ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Trong trường hợp mở thủ tục phá sản thì phải gửi cho chủ thể nộp đơn, tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán.
Bước 4: Mở hội nghị chủ nợ.
Tòa án tiến hành triệu tập Hội nghị chủ nợ trong vòng 20 ngày, sau khi Tòa án kết thúc kiểm kê tài sản hoặc kết thúc việc lập danh sách chủ nợ.
Bước 5: Ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng bị phá sản
Trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng; Tòa án tiến hành ra quyết định phá sản tổ chức tín dụng.
Bước 6: Thi hành tuyên bố tổ chức bị phá sản.
Hiệu lực thi hành của quyết định phá sản bắt đầu từ ngày Tòa án ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày, Tòa án nhân dân sẽ gửi quyết định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên Tổ chức tín dụng trong sổ đăng ký kinh doanh.
Thứ tự phân chia tài sản khi phá sản tổ chức tín dụng
Thứ tự phân chia tài sản khi tổ chức tín dụng bị phá sản được quy định cụ thể tại Điều 101 Luật Tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
– Chi phí phá sản;
– Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
– Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
– Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trong trường hợp sau khi thanh toán các khoản nợ mà tài sản của tổ chức tín dụng vẫn còn thì phần còn lại này sẽ thuộc về các đối tượng sau:
– Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã;
– Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
– Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.
Còn đối với trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 101 thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề hướng dẫn thủ tục phá sản tổ chức tín dụng do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Xem thêm: