Hợp đồng mua bán tài sản là một trong các loại hợp đồng dân sự thông dụng. Đây là loại hợp đồng được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết và tải về Mẫu hợp đồng mua bán tài sản ở bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
Hợp đồng mua bán tài sản là gì?
Hợp đồng mua bán tài sản là một trong các loại hợp đồng dân sự thông dụng. Theo Điều 430, Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”.
Trong đó, tại Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản như sau: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Đặc điểm pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản
Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng song vụ
Hợp đồng mua bán tài sản cũng xuất phát từ sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Trong đó:
- Bên bán có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản và trả tiền mua tài sản.
- Bên mua có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao tài sản và nhận tiền bán tài sản.
Có thể thấy, hợp đồng mua bán tài sản có sự đối ứng hai bên về nghĩa vụ. Vì vậy, hợp đồng này được coi là một hợp đồng song vụ.
Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng có đền bù
Bên mua tài sản phải trả tiền cho bên bán tài sản, khi bên bán tài sản đã thực hiện chuyển giao tài sản cho bên mua. Khoản tiền mà bên mua tài sản phải trả cho bên bán tài sản là khoản đền bù về việc mua bán tài sản.
Đặc điểm có đền bù trong hợp đồng mua bán tài sản là yếu tố phân biệt giữa hợp đồng này với hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù. Trong đó, có đền bù có nghĩa là sự trao đổi lợi ích ngang giá giữa các bên.
Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng nhằm mục đích chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản từ bên bán sang bên mua
Khác với hợp đồng cho thuê tài sản, khi bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán, bên bán có quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản.
Đối tượng của hợp đồng mua bán
Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phải thỏa mãn những quy định của pháp luật về chế độ pháp lý của đối tượng trong giao dịch dân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 431, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản như sau:
“(1). Tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.
(2). Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.”
Có thể thấy, đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản rất đa dạng. Vì vậy, khi tài sản được đưa vào làm đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản cần phải đảm bảo:
- Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là vật thì vật phải được xác định rõ và phải tổn tại vào thời điểm giao kết và thực hiện hợp đồng.
- Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là quyền tài sản thì phải có những chứng từ hoặc các bằng chứng khác để chứng minh quyền thuộc sở hữu của bên bán.
- Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là vật hình thành trong tương lai. Ví dụ: Mua bán căn chung cư đang xây dựng. Trong trường hợp này, người bán phải có căn cứ chứng minh vật đó đang hoặc chuẩn bị được hình thành.
- Tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản không bị hạn chế quyền chuyển nhượng của chủ sở hữu:
+) Không bị kê khai biên làm tài sản đảm bảo cho thi hành án.
+) Không bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn không cho đem ra giao dịch.
+) Không phải là tài sản đang đem làm tài sản đảm bảo cho việc thực hiện một nghĩa vụ dân sự khác.
Mẫu hợp đồng mua bán tài sản
Tải về Mẫu hợp đồng mua bán tài sản Tại đây
Một số nội dung cần lưu ý trong hợp đồng mua bán tài sản
Giá và phương thức thanh toán
Theo Khoản 1, Điều 433, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giá và phương thức thanh toán: “Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.”.
Trong thực tế, giá cả do các bên thỏa thuận và nó phụ thuộc vào nhu cầu của các bên. Các bên cũng có thể thỏa thuận áp dụng hệ số trượt giá khi có biến động về giá cả. Việc áp dụng này nhằm đảm bảo việc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán tài sản.
Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng. (Khoản 2, Điều 433, Bộ luật Dân sự 2015)
Phương thức thực hiện hợp đồng mua bán tài sản
Đối với hợp đồng mua bán tài sản thông thường, sau khi thỏa thuận xong bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của thị trường khiến cho nhu cầu mua bán hàng hóa tăng lên nhưng vấn đề tài chính của bên mua lại không đủ để chi trả hàng hóa đó.
Để tạo điều kiện cho bên bán bán được hàng hóa, bên mua giải quyết được khó khăn về vấn đề tài chính và một số khó khăn liên quan khác. Những phương thức mua bán mới đã được tạo ra như: mua sau khi sử dụng thử; mua trả chậm, trả dần; chuộc lại tài sản đã bán và được quy định tại Điều 452, 453, 454, Bộ Luật Dân sự 2015.
Thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản bán
Thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản được dựa theo quy định tại Khoản 1, Điều 161 BLDS 2015 và Điều 62, Luật Thương mại 2005 về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa. Có thể thấy, sau khi các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ trả tiền và nhận tài sản thì bên mua có quyền sở hữu tài sản mua. Trường hợp bên bán chưa chuyển quyền sở hữu thì họ phải chịu rủi ro khi tài sản bị thiệt hại.
Tuy nhiên, trên thực tế có một số loại tài sản mang tính chất đặc biệt, việc chuyển giao cũng sẽ có quy định đặc trưng riêng:
- Đối với tài sản/ hàng hóa là đối tượng dùng thử:
Căn cứ Điều 452, BLDS 2015 quy định về “Mua sau khi sử dụng thử” thì quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán, nhưng bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản. Quyền sở hữu chỉ được chuyển cho bên mua khi bên mua đồng ý mua và thanh toán hoặc hết thời hạn dùng thử bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua và thanh toán cho bên bán.
- Đối với tài sản là đối tượng của mua trả chậm, trả dần:
Căn cứ Điều 453, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về “Mua trả chậm, trả dần” thì quyền sở hữu sẽ chuyển giao khi bên mua trả đủ tiền nếu các bên không có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, bên mua phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng trừ khi có thỏa thuận khác.
- Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu (xe máy, ô tô, …)
Quyền sở hữu tài sản được chuyển giao tại thời điểm đã hoàn thành thủ tục đăng ký nếu bên mua và bên bán không có thỏa thuận khác.
- Đối với tài sản là bất động sản (đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất/ nhà ở,…)
Đối với tài sản là bất động sản thời điểm các bên bàn giao, giao nhận các chứng từ quyền sở hữu và thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán tài sản hoặc thời điểm hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu nếu là tài sản phải đăng ký theo luật định. Trường hợp bên mua cố tính không thực hiện việc trước bạ sang tên thì hết thời hạn luật định, người bán không chịu trách nhiệm về việc tài sản bị hư hỏng.
Dịch vụ tư vấn hợp đồng tại Luật Đại Nam
- Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung hợp đồng
- Phân tích rủi ro và thẩm định hợp đồng trước khi ký kết, sau khi ký kết.
- Soạn thảo hợp đồng, rà soát các dự thảo hợp đồng, thỏa thuận trước khi ký kết theo yêu cầu.
- Tư vấn, đại diện theo ủy quyền tham gia thương lượng, đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác.
- Biên dịch các văn bản hợp đồng và hồ sơ pháp lý liên quan.
- Các dịch vụ tư vấn luật khác có liên quan đến hợp đồng.
Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488/0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM:
Có bắt buộc phải ký hợp đồng lao động không ?
Mẫu Hợp đồng trích thưởng – Luật Đại Nam