Các quy định về thuế nhất là quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm đặc biệt. Bởi đây không chỉ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế mà việc biết được các vấn đề liên quan đến thuế sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được những vi phạm không đáng có. Vừa qua chính phủ cũng ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thuế mới. Luật Đại Nam mời quý bạn đọc theo dõi qua bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Luật Quản lý thuế 2019
- Nghị định 125/2020/NĐ-CP
- Nghị định 102/2021/NĐ-CP
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thuế mới nhất
Nghị định 125/2020/NĐ-CP – Nghị định xử phạt vi phạm chính về thuế có hiệu lực thi hành vào ngày 05/12/2020
Nghị định 125/2020/NĐ-CP (NĐ 125) về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn, trong đó, có điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục hành chính thuế. Việc xử lý nghiêm những sai phạm được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.
Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính về thuế
NĐ 125 có 5 chương và 47 điều. Về cơ bản, các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số điểm để phù hợp với Luật Quản lý thuế 2019, tuy nhiên, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm thủ tục thuế được điều chỉnh tăng cao hơn trước. NĐ 125 cũng quy định chi tiết hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế, mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi trốn thuế cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Cụ thể Nghị định quy định rõ: các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn và vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.
Với nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng. Trong đó, mức phạt tiền sẽ tăng mạnh đối nhóm hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế. Cụ thể: trường hợp vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thời hạn thông báo ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước hạn với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 7 triệu đồng.
Đối với nhóm hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế nhưng không dẫn tới thiếu số thuế phải nộp có mức phạt tiền tối thiểu là 500.000 đồng, mức phạt tiền tối đa là 12 triệu đồng.
Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế bị sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 2.5 triệu đồng. Hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế hoặc hành vi thuộc trốn thuế nhưng chưa gây hậu quả bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ thuế có mức phạt tiền tối thiểu là 2 triệu đồng, mức tối đa là 25 triệu đồng, tăng mạnh so với mức phạt trung bình hiện hành, cụ thể:
Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế từ 1 đến 30 ngày sẽ bị phạt tiền ở mức thấp (từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng). Đối với hành vi chậm nộp từ trên 30 ngày mức xử phạt nặng hơn từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày thuộc hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào NSNN trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng để tương ứng với mức độ, tính chất của hành vi này.
Nghị định quy định chi tiết về mức phạt tiền đối với hành vi trốn thuế theo tiêu chí tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và phù hợp với nguyên tắc của Luật XLVPHC, cụ thể: phạt 1 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế có từ 1 tình tiết giảm nhẹ trở lên; phạt 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng. Đối với các trường hợp trốn thuế có tình tiết tăng nặng sẽ bị phạt từ 2 đến 3 lần.
Xem thêm: Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh như thế nào ?
Bổ sung một số hành vi vi phạm về hóa đơn điện tử
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn cũng kế thừa hầu như toàn bộ hành vi vi phạm và mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về hóa đơn tại Nghị định số 109, có sửa đổi một số nội dung và bổ sung quy định về hành vi vi phạm quy định về hóa đơn điện tử với mức phạt tiền tương ứng với mức phạt tiền đối với hóa đơn giấy, đồng thời rà soát, lược bỏ những hành vi trùng lặp và đưa các hành vi tương tự rải rác ở nhiều điều vào 1 điều duy nhất, cụ thể:
- Điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về mất, cháy, hỏng hóa đơn trước khi thông báo phát hành hoặc hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập từ 5 triệu đến 18 triệu đồng xuống còn từ 1 triệu đồng đến 8 triệu đồng cho tương đồng với tính chất của hành vi vi phạm.
Nghị định đã sắp xếp lại một số điều, khoản như: tập hợp các hành vi cho, bán hóa đơn hiện hành quy định rải rác tại nhiều điều thành 1 điều quy định xử phạt về hành vi cho, bán hóa đơn; tập hợp các hành vi mất, cháy, hỏng hóa đơn hiện quy định tại nhiều điều thành 1 điều quy định xử phạt hành vi mất, cháy, hỏng hóa đơn trong thời gian lữu trữ; sắp xếp lại các hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn thành 1 điều; rà soát, bố cục lại hành vi theo hướng chỉ xử phạt đối với hành vi cung cấp phần mềm hóa đơn tự in không đảm bảo nguyên tắc hoặc khi in ra không đáp ứng đủ nội dung quy định của pháp luật về hóa đơn.
Nghị định cũng bổ sung một số hành vi để xử phạt đối với hành vi vi phạm về hóa đơn điện tử như:
- Vi phạm quy định về tiêu hủy hóa đơn, lập hóa đơn điện tử tử máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế;
- Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn quy định; chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ;
- Cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn.
- Nghị định cũng bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hóa đơn;
- Buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Việc ban hành NĐ125 quy định xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn được kỳ vọng sẽ tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, đồng thời thu đúng, đủ kịp thời tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước. Nghị định cũng khắc phục triệt để những tồn tại hạn chế, bất cập của các quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hiện hành, qua đó đảm bảo tính công khai minh bạch, thống nhất, công bằng trong áp dụng pháp luật, đảm bảo đồng bộ trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Nghị định 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020.
Xem thêm: Hướng dẫn kê khai thuế cho hộ kinh doanh cá thể
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định sau:
- Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
- Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;
- Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số;
- Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước;
- Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Trong đó đáng chú ý, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP đã sửa đổi bổ sung một số điểm liên quan đến phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn như sau:
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP tăng gấp đôi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, tức là thời hiệu xử phạt tăng từ 01 năm tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP lên 02 năm. Điều này có nghĩa là, trong thời gian 02 năm thì cơ quan có thẩm quyền được xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn.
Sửa đổi quy định về xử phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu cho, bán hóa đơn.
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ trường hợp cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hoá đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác (Nghị định số 125/2020/NĐ-CP chỉ quy định phạt vi phạm đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan Thuế).
Bổ sung hành vi bị xử phạt nếu lập hóa đơn không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc.
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP bổ sung quy định xử phạt đối với trường hợp lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định với mức phạt là từ 04 triệu đồng đến 08 triệu đồng (Nghị định số 125/2020/NĐ-CP chưa quy định).
Như vậy việc lập hóa đơn phải đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 10, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, nếu không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị xử phạt.
Xem thêm: không nộp thuế là vi phạm gì?
Bổ sung quy định về xử phạt nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế.
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định xử phạt đối với trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế với mức phạt được quy định là từ 04 triệu đồng đến 08 triệu đồng. Nghị định số 102/2021/NĐ-CP cũng yêu cầu trong trường hợp trên, các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn (Nghị định số 125/2020/NĐ-CP chưa quy định).
Bổ sung quy định không xử phạt nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế.
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi chỉ quy định phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định mới tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP thì làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế sẽ không còn bị xử phạt.
Bổ sung trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền phạt.
Theo Nghị định số 102/2021/NĐ-CP, sẽ không tính tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt (Nghị định số 125/2020/NĐ-CP không có quy định về “quyết định giảm” tiền phạt).
Bổ sung quy định việc miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
Theo Nghị định số 102/2021/NĐ-CP các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi đổi, bổ sung năm 2020) (Điều 43, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP không quy định).
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP bổ sung việc giảm tiền phạt vi phạm hành chính về hóa đơn (Điều 43 Nghị định số 125 chỉ quy định về miễn tiền phạt vi phạm hành chính về hóa đơn). Quy định này là để phù hợp với Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Nghị định số 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2022./.
DỊCH VỤ LUẬT ĐẠI NAM CUNG CẤP TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP
- Tư vấn kế toán thuế
- Dịch vụ báo cáo thuế
- Dịch vụ quyết toán thuế thu nhập cá nhân
- Dịch vụ làm sổ sách kế toán
- Quyết toán thuế cho doanh nghiệp
- Tư vấn pháp luật về thuế cho công ty có vốn nước ngoài
Mọi vướng mắc liên quan vui lòng Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Sử dụng không hợp pháp hóa đơn
- Mã chương thuế thu nhập cá nhân
- Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế năm 2023