Một trong những yếu tố quan trọng để hoạt động doanh nghiệp chính là vốn. Nhiều nhà đầu tư vẫn không thật sự hiểu và nắm rõ các khái niệm liên quan đến vốn điều lệ và vốn đầu tư. Vậy cụ thể hai loại vốn này là gì, giữa chúng có gì giống nhau và được phân biệt như thế nào? Chính vì thế bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ thắc mắc của bạn về So sánh vốn điều lệ và vốn đầu tư
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020.
- Luật đầu tư 2020.
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Vốn điều lệ là gì?
Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Hình thức góp vốn điều lệ: Nhà đầu tư mua hoặc sở hữu cổ phần hay cổ phiếu của công ty cổ phần hoặc góp vốn trực tiếp vào Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty hợp danh.
Vốn điều lệ công ty là tất cả số vốn do cổ đông hoặc các thành viên đóng góp hoặc cam kết góp trong một khoảng thời gian nhất định. Số vốn này được ghi cụ thể vào bản điều lệ của công ty.
Vốn điều lệ công ty tối đa là bao nhiêu?
Khi công ty, doanh nghiệp đăng ký những ngành nghề kinh doanh bình thường, pháp luật sẽ không quy định cụ thể vốn điều lệ công ty mức tối thiểu hoặc tối đa là bao nhiêu. Tuy nhiên, khi công ty, doanh nghiệp đăng ký một số ngành nghề kinh doanh mà pháp luật có yêu cầu mức vốn pháp định thì quý công ty, doanh nghiệp phải đăng ký mức vốn điều lệ tối thiểu phải bằng với mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh đó.
Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có quy định vốn pháp định thì vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định.
Tài sản để góp vốn điều lệ có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty.
Trường hợp tài sản góp vốn là tài sản có đăng ký thì sẽ được sang tên để trở thành tài sản của doanh nghiệp.
Vốn đầu tư là gì?
Khái niệm vốn đầu tư được đề cập tại khoản 23 Điều 3 Luật đầu tư 2020, theo đó:
Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Như vậy, vốn đầu tư chính là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong vốn đầu tư có cả phần vốn góp và vốn huy động hoặc vốn vay.
Cụ thể hơn, vốn đầu tư trong doanh nghiệp là số tiền vốn được doanh nghiệp huy động tập chung để sử dụng trong quá trình sản xuất, tái sản xuất và duy trì mục đích phát triển của doanh nghiệp.
Vốn đầu tư được xác định như thế nào?
Vốn đầu tư dự án được xác định chính là tổng nguồn góp vốn, gồm các khoản như: Vốn điều lệ của công ty, vốn vay, nguồn vốn được huy động từ các cá nhân, tổ chức của công ty được chuẩn bị trước khi triển khai thực hiện dự án. Nó có thể được kêu gọi từ tiền vốn được tích lũy của xã hội, của các tổ chức sản xuất kinh doanh trong nước hoặc do nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.
Vốn đầu tư là nguồn tài chính để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể thực hiện thực hiện đồng thời một hoặc nhiều dự án kinh doanh khác nhau, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tự thực hiện kinh doanh bằng nguồn vốn sẵn có của mình.
Do vậy, việc huy động vốn đầu tư là một hoạt động vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt với các dự án càng lớn, số vốn đầu tư càng cần để duy trì nguồn tài chính ổn định của doanh nghiệp đó trong suốt quá trình thực hiện dự án.
So sánh vốn điều lệ và vốn đầu tư
Điểm giống nhau giữa vốn điều lệ và vốn đầu tư
Điểm giống nhau giữa vốn điều lệ và vốn đầu tư là:
- Thứ nhất, cùng là tài sản hoặc tiền mặt mà nhà đầu tư dùng vào để đóng góp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thứ hai, không có giới hạn số vốn góp tối đa.
Phân biệt vốn điều lệ và vốn đầu tư
Giữa vốn điều lệ và vốn đầu tư có những điểm khác biệt cơ bản sau:
Về thời hạn góp vốn
- Vốn điều lệ: Thời hạn doanh nghiệp phải đóng góp đầy đủ số vốn điều lệ là chậm nhất 90 ngày kể từ ngày nhận được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Vốn đầu tư: Luật không quy định thời hạn bắt buộc phải góp đủ số vốn đầu tư mà sẽ phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên theo từng dự án cụ thể mà doanh nghiệp thực hiện.
Về giới hạn tối thiểu góp vốn
- Vốn điều lệ: Trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngành nghề yêu cầu có vốn pháp định thì vốn điều lệ tối thiểu phải bằng vốn pháp định.
- Vốn đầu tư: Không có quy định về số vốn tối thiểu mà phụ thuộc và nhu cầu của dự án và năng lực đầu tư của doanh nghiệp.
Về nguồn vốn góp
- Vốn điều lệ: Có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản của các thành viên góp vốn khi thành lập doanh nghiệp.
- Vốn đầu tư: Được kêu gọi từ tích lũy của xã hội, vốn vay, vốn góp của các tổ chức sản xuất kinh doanh trong nước hoặc do nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.
Thời điểm góp vốn
- Vốn điều lệ: Tại thời điểm thành lập doanh nghiệp.
- Vốn đầu tư: Được kêu gọi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Căn cứ ghi nhận
- Vốn điều lệ: Trong điều lệ của doanh nghiệp.
- Vốn đầu tư: Trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng vay, hợp đồng tài trợ, v.v,… mà các bên ký kết với nhau.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: So sánh vốn điều lệ và vốn đầu tư. Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM
- So sánh vốn tự có và vốn điều lệ
- Nguyên tắc góp vốn thành lập công ty
- Thời hạn góp vốn khi thành lập công ty