Chế độ thai sản là chế độ khá quan trọng đối với người lao động. Tuy nhiên không phải tất cả quy định pháp luật có liên quan tới chế độ thai sản thì mọi người đều nắm rõ. Thấu hiểu tâm lý trên, Luật Đại Nam sẽ chia sẻ tới bạn đọc thông tin về: Nghỉ thai sản có được hưởng lương tháng 13 không? trong bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Bộ Luật Lao động năm 2019;
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Thế nào là lương tháng 13?
Pháp luật hiện hành không có bất kỳ một quy định nào về lương tháng 13. Thực tế lương tháng 13 là do doanh nghiệp tự đặt ra với mục đích là một khoản tiền thưởng để khích lệ tinh thần làm việc của người lao động. Do đó mà không bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải có khoản tiền lương tháng 13 cho người lao động mà tuỳ vào tình hình hoạt động, quy chế làm việc của mỗi doanh nghiệp mà đề ra một mức lương tháng 13 hợp lý.
Do lương tháng 13 được hiểu là một khoản tiền thưởng mà doanh nghiệp trao cho người lao động nên căn cứ theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 về vấn đề thưởng cho người lao động thì có thể hiểu như sau:
Thứ nhất, thưởng là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ theo kết quả, năng suất làm việc của người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh;
Thứ hai, việc thưởng cho người lao động được dựa vào quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai quyết định này tại nơi làm việc.
Như vậy, lương tháng 13 là khoản tiền thưởng dựa vào năng lực và kết quả làm việc của người lao động trong một năm qua. Mức lương tháng 13 là do mỗi doanh nghiệp tự quyết định và ban hành thành quy chế doanh nghiệp có công khai cho người lao động biết rõ về quy chế này tại nơi làm việc.
Lương tháng 13 được đặt ra nhằm khích lệ tinh thần làm việc của người lao động, được xem là khoản tiền giữ chân người lao động, thu hút lao động giỏi, có năng lực làm việc tại công ty. Để làm được điều này thì doanh nghiệp phải có mức lương tháng 13 hợp lý, đáp ứng được cả nhu cầu của người lao động và đảm bảo phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Lương tháng 13 không phải là yêu cầu bắt buộc ở mỗi doanh nghiệp nên có nhiều doanh nghiệp không đặt ra mức lương tháng 13 cho người lao động. Nhưng để xét đến nhiều lợi ích và sự phát triển của doanh nghiệp thì doanh nghiệp nên đề ra lương tháng 13 để có thể chiêu mộ và giữ chân người lao động có năng lực tốt.
Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con, lao động nữ phải đảm bảo đủ các điều kiện hưởng thai sản theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH năm 2014:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Ngoài ra người lao động cũng cần đáp ứng thêm điều kiện về thời gian tham gia để được hưởng chế độ thai sản:
Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
Lưu ý, người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.
Nghỉ thai sản có được hưởng lương tháng 13 không?
Để biết được việc nghỉ chế độ thai sản có được hưởng lương tháng 13 hay không thì phải xem xét về thời gian làm việc của người lao động đang được nghỉ chế độ. Việc xem xét thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tính dựa trên quy định tại Điều 65 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau, tại khoản 7 Điều 65 Nghị định này thì đối với người nghỉ hưởng chế độ thai sản thì thời gian được nghỉ để hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được tính là thời gian làm việc.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời gian người lao động được nghỉ để hưởng chế độ thai sản theo thời gian quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được tính là thời gian làm việc.
Do tiền lương tháng 13 được xem là một khoản tiền thưởng mà doanh nghiệp chi trả cho người lao động nên khi người lao động nghỉ chế độ đảm bảo số ngày nghỉ theo quy định thì vẫn có thể xem xét để cho người lao động đó hưởng lương tháng 13. Tuy nhiên, như đã phân tích tại Mục 1 thì lương tháng 13 không phải là khoản tiền bắt buộc theo quy định của pháp luật mà do doanh nghiệp tự chi trả, quy định theo quy chế riêng của doanh nghiệp nên việc người lao động nghỉ chế độ thai sản có được hưởng lương tháng 13 hay không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đó xem xét dựa trên quy chế của công ty, quy định nội bộ của doanh nghiệp.
Theo đó, nếu người lao động làm việc tại doanh nghiệp đang nghỉ chế độ thai sản với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mà đáp ứng đủ điều kiện được hưởng lương tháng 13 theo quy chế của doanh nghiệp thì được hưởng lương tháng 13. Nếu trong trường hợp người lao động không thể đáp ứng được các điều kiện mà công ty quy định thì không được hưởng lương tháng 13. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không có quy định về thưởng lương tháng 13 cho người lao động thì lao động đang nghỉ chế độ thai sản sẽ không được hưởng lương tháng 13 theo quy chế đó.
Thông thường, lao động nữ nghỉ chế độ thai sản sẽ quan tâm đến vấn đề nghỉ chế độ có được hưởng lương tháng 13 hay không vì thời gian được nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thường kéo dài hơn so với lao động nam có vợ sinh con. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lao động nam được nghỉ ít hơn so với lao động nữ và được pháp luật quy định về việc hưởng một phần chi phí hỗ trợ khi nghỉ chế độ để chăm sóc vợ sinh con. Do thời gian nghỉ ít nên theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì thời gian nghỉ theo quy định pháp luật về nghỉ chế độ thai sản vẫn được tính là thời gian làm việc của người lao động. Do đó người lao động nam vẫn được hưởng mọi quyền lợi liên quan đến lương tháng 13 của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có quy định về hưởng lương tháng 13.
Như vậy, từ những phân tích trên, việc thưởng lương tháng 13 hiện nay cho người nghỉ thai sản phụ thuộc vào điều kiện của chính doanh nghiệp của người lao đông. Đồng thời, mức lương tháng 13 cụ thể sẽ được doanh nghiệp xây dựng dựa trên tình hình sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Nghỉ thai sản có được hưởng lương tháng 13 không? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM
- Mẫu đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần
- Đóng bảo hiểm xã hội 21 năm có rút được 1 lần được không?
- Có được ủy quyền nhận bhxh 1 lần không