Hiện nay, lương gross là một trong hai hình thức nhận lương phổ biến. Vậy lương gross là gì? Cách tính thuế TNCN theo lương gross chính xác nhất năm 2023 như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ cung cấp thông tin cho bạn về vấn đề này.
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2014;
- Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ;
- Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ;
- Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế.
Lương gross là gì?
Mặc dù không có văn bản pháp luật nào quy định hay giải thích lương gross là gì, nhưng căn cứ vào nghĩa của từ gross là tổng số thì có thể hiểu đơn giản như sau:
Lương gross (gross salary) là tổng thu nhập mỗi tháng của người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm cả lương cơ bản và các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng,…trong đó có cả các khoản đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân.
Nghĩa là tổng thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công hoặc các khoản có tính chất tiền lương, tiền công từ người lao động chưa trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định và thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Trên thực tế, rất ít người lao động nhận lương gross, thay vào đó chủ yếu người lao động nhận lương net (lương thực nhận, sau khi đã trừ bảo hiểm bắt buộc với mức 10,5% và thuế thu nhập cá nhân nếu có).
Cách tính thuế TNCN theo lương gross?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà cách tính thuế thu nhập cá nhân theo lương gross được quy định như sau:
Tính thuế thu nhập cá nhân theo lương gross cho cá nhân cư trú?
Trường hợp 1: Đối với người lao ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên
Người lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì thực hiện tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp | = | Thu nhập tính thuế | x | Thuế suất |
Trong đó:
Thu nhập tính thuế | = | Thu nhập chịu thuế | – | Các khoản giảm trừ |
Thuế suất
Thuế suất để tính thuế thu nhập cá nhân là thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần, tức là tính theo từng Bậc thu nhập, mỗi bậc thu nhập có một mức thuế suất tương ứng.
Biểu tính thuế thu nhập cá nhân rút gọn được quy định rõ tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Phụ lục 01/PL-TNCN như sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế /tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1
(Phương pháp lũy tiến) |
Cách 2 (Phương pháp rút gọn) | |||
1 | Đến 5 triệu đồng | 5% | 0 triệu + 5% thu nhập tính thuế | 5% thu nhập tính thuế |
2 | Trên 5 triệu đến 10 triệu | 10% | 0,25 triệu + 10% thu nhập tính thuế trên 5 triệu | 10% thu nhập tính thuế – 0,25 triệu |
3 | Trên 10 triệu đến 18 triệu | 15% | 0,75 triệu + 15% thu nhập tính thuế trên 10 triệu | 15% thu nhập tính thuế – 0,75 triệu |
4 | Trên 18 triệu đến 32 triệu | 20% | 1,95 triệu + 20% thu nhập tính thuế trên 18 triệu | 20% thu nhập tính thuế – 1,65 triệu |
5 | Trên 32 triệu đến 52 triệu | 25% | 4,75 triệu + 25% thu nhập tính thuế trên 32 triệu | 25% thu nhập tính thuế – 3,25 triệu |
6 | Trên 52 triệu đến 80 triệu | 30% | 9,75 triệu + 30% thu nhập tính thuế trên 52 triệu | 30 % thu nhập tính thuế – 5,85 triệu |
7 | Trên 80 triệu | 35% | 18,15 triệu + 35% thu nhập tính thuế trên 80 triệu | 35% thu nhập tính thuế – 9,85 triệu |
Các khoản giảm trừ
Giảm trừ gia cảnh:
(i) Mức giảm trừ gia cảnh:
Giảm trừ gia cảnh gồm: giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Mức giảm trừ gia cảnh năm 2022 không đổi so với năm 2021 và được thực hiện theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14. Cụ thể:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
(ii) Người phụ thuộc của người nộp thuế:
Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC, người phụ thuộc của người nộp thuế là cá nhân cư trú gồm:
- Người phụ thuộc là con của người nộp thuế gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể:
- Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng);
- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động;
- Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Người phụ thuộc khác của người nộp thuế:
(i) Vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC;
(ii) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC bao gồm:
- Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế;
- Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế;
- Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột;
- Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
- Điều kiện để được tính là người phụ thuộc:
(i) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Bị khuyết tật, không có khả năng lao động; Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
(ii) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
Các khoản bảo hiểm bắt buộc
Các khoản bảo hiểm đang tham gia: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm: Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế | = | Tổng lương nhận được | – | Các khoản được miễn thuế |
Trong đó:
- Tổng lương nhận được: là toàn bộ các khoản thu nhập người lao động nhận được trong kỳ tính thuế, bao gồm những khoản sau: lương, phụ cấp, các khoản bổ sung khác (bao gồm cả tiền thưởng lễ tết như lương tháng thứ 13, hay 30/4, 1/5, 2/9,… người lao động được trả vào tháng nào thì tính vào thu nhập vào tháng đó).
- Các khoản được miễn thuế:
Những khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân được quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Chẳng hạn như:
- Tiền phụ cấp ăn trưa, giữa ca;
- Phụ cấp điện thoại: Được miễn theo mức khoán chi đã quy định của công ty;
- Tiền phụ cấp trang phục:
- Nếu nhận được bằng tiền: Miễn tối đa 5 triệu/ người/ năm;
- Nếu nhận được bằng hiện vật: Miễn toàn bộ;
- Nếu vừa nhận được tiền vừa nhận được hiện vật: thì phần nhận được bằng hiện vật không bị tính thuế còn phần tiền vẫn bị khống chế 5 triệu/ năm;
- Tiền làm thêm giờ: Tiền làm thêm giờ ban đêm, làm thêm giờ cao hơn so với làm việc ban ngày, giờ hành chính sẽ được miễn phần cao hơn;
- Các khoản phúc lợi chẳng hạn như:
- Khoản tiền nhận được do đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động được miễn theo quy định chung của đơn vị và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn;
- Đối với các khoản chi trực tiếp cho người lao động, Công ty phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân để tính thuế thu nhập cá nhân;
- Về khoản tiền công tác phí: Trường hợp các khoản thanh toán tiền công tác phí như tiền vé máy bay, tiền lưu trú, tiền taxi và tiền ăn của các cá nhân đi công tác được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì các khoản thanh toán tiền công tác phí này là khoản thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân;
- Khoản tiền thuê nhà được người lao động trả thay: được miễn phần vượt quá 15%.
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập;
- Phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại: Theo Công văn số 2192/TCT-TNCN của Tổng Cục Thuế, phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại của người lao động được quy định như sau:
- Nếu phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại thuộc về công tác phí thì người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân;
- Nếu khoản tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp đi lại được hưởng cố định hàng tháng trên bảng lương, thì khi người lao động nhận khoản tiền này sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân;
- Theo Công văn số 90748/CT-TTHT, trường hợp người lao động nhận được khoản trợ cấp tiền đi lại từ nhà đến nơi làm việc thì đây là các khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân;
- Tại điểm điểm 5 khoản 4 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản chi cho phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nhà đến nơi làm việc.
Để cho khái quát hơn, chúng tôi xin tóm tắt lại các bước để tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động theo lương gross hiện nay như sau:
Bước 1: Tính tổng thu nhập.
Trong tháng người lao được trả bao nhiêu khoản thì các bạn cộng hết vào.
Bước 2: Xác định các khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Căn cứ vào các khoản phụ cấp, các bạn xác định xem những khoản nào được miễn thuế, mức miễn cụ thể từng khoản.
Tổng hợp được bước 1 và bước 2, chúng ta sẽ xác định được thu nhập chịu thuế của cá nhân đó.
Bước 3: Xác định các khoản giảm trừ.
Mỗi người chỉ được giảm trừ một nơi làm việc, do đó nếu người lao động ký hợp đồng lao động từ 2 nơi làm việc trở lên mà hợp đồng các nơi đều từ 3 tháng trở lên thì người lao động phải lựa chọn một nơi để được tính giảm trừ. Các nơi còn lại không được giảm trừ nữa.
- Mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế: được giảm trừ 11 triệu đồng/ người (người lao động không phải làm thủ tục phải đăng ký để được giảm trừ, đương nhiên được hưởng);
- Mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc của người nộp thuế: Nếu người lao động có đăng ký người phụ thuộc thì các bạn xác định số người phụ thuộc của lao động đó rồi nhân với 4,4 triệu đồng/người (đối tượng này để được giảm trừ thì phải làm thủ tục đăng ký).
Bước 4: Tính thu nhập tính thuế.
Sau khi tính thu nhập tính thuế tại bước này sẽ có hai kết quả xảy ra như sau:
- Trường hợp 1: Thu nhập tính thuế ra âm
Trường hợp này người lao động này có thu nhập chưa đến mức phải đóng thuế. Do đó, người lao động không bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
- Trường hợp 2: Thu nhập tính thuế ra dương.
Trường hợp này người lao động tiếp tục tiến hành tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo bước 5 dưới đây.
Bước 5: Tính ra số thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Sau khi các bạn tính ra được số tiền thu nhập tính thuế dương tại Bước 4. Chúng ta sẽ đối chiếu thu nhập tính thuế đó vào bảng thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần để xác định bậc thuế hay công thức tính ra số thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Sau khi xác định được công thức chúng ta đưa Thu nhập tính thuế vào công thức là ra được số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của người đó.
Trường hợp 2: Đối với người lao ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng
Căn cứ theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, trường hợp người lao ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên hoặc không ký hợp đồng lao động, thuế thu nhập cá nhân sẽ được khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trong đó, tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác trả cho cá nhân bao gồm:
- Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác;
- Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.
Lưu ý: Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu Cam kết 02/CK-TNCN ban hành tại Thông tư 92/2015/TT-BTC) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
Một số lưu ý:
- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại nhiều nơi;
- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba 3 tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Tính thuế đối với cá nhân không cư trú?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thuế thu nhập cá nhân của người lao không cư trú được khấu trừ 20%. Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của cá nhân không cư trú được xác định theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân của người lao không cư trú | = | Tiền lương | x | Thuế suất 20% |
Trong đó, thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú được xác định như quy định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
Việc xác định thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú đồng thời làm việc ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì thực hiện theo công thức sau:
Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế được xác định theo công thức sau:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam / Tổng số ngày làm việc trong năm | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế được xác định theo công thức sau:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày có mặt ở Việt Nam / 365 ngày | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
Lưu ý: Thu nhập chịu thuế khác (thu nhập trước thuế) phát sinh tại Việt Nam nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền công, tiền lương do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.
Trên đây là toàn bộ những thông tin do Luật Đại Nam cung cấp về Hướng dẫn cách tính thuế TNCN theo lương Gross. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ xin liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM