Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những loại thuế thuộc hệ thống thuế Việt Nam đánh vào hàng hóa sản xuất và tiêu dùng. Vậy cụ thể thì thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Đối tượng của thuế tiêu thụ đặc biệt là ai?Bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ những thắc mắc của quý khách hàng về vấn đề Hướng dẫn cách hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?
Thuế tiêu thụ đặc biệt (hay còn được gọi tắt là thuế ttđb) là loại thuế gián thu đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ có tính chất xa xỉ nhằm cân bằng, điều tiết mức độ sản xuất và tiêu dùng trên thị trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ điều tiết lượng sản xuất hàng hóa mà còn điều tiết mạnh mẽ đến thu nhập của người tiêu dùng. Từ đó góp phần nâng cao Ngân sách Nhà nước, tăng cường hoạt động quản lý sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Người thực hiện đóng thuế tiêu thụ đặc biệt là cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng.
Đặc điểm của thuế tiêu thụ đặc biệt
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, có những đặc điểm như sau để chúng ta có thể nhận diện được loại thuế này:
- Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối hẹp, chỉ với một số mặt hàng, dịch vụ cần chịu thuế theo quy định của Nhà nước.
- Tác động một lần đối với quá trình lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
- Là loại thuế gián thu, mang tính chất đánh vào thu nhập của người tiêu dùng và chịu thuế một cách gián tiếp thông qua giá cả trên thị trường.
- Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao.
Nguyên tắc hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt
Các doanh nghiệp bán sản phẩm, hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ghi nhận doanh thu không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Trường hợp không tách ngay được số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp tại thời điểm ghi nhận doanh thu thì được ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế nhưng định kỳ phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp;
- Trong mọi trường hợp, chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” và chỉ tiêu “Các khoản giảm trừ doanh thu” của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đều không bao gồm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc mua nội địa hàng hoá, tài sản cố định thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được ghi nhận số thuế phải nộp vào giá gốc hàng nhập kho. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hộ nhưng không có quyền sở hữu hàng hóa, ví dụ giao dịch tạm nhập – tái xuất hộ bên thứ ba thì số thuế nhập khẩu phải nộp không được ghi nhận vào giá trị hàng hóa mà được ghi nhận là khoản phải thu khác;
Hạch toán kế toán số thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn, được giảm thực hiện theo nguyên tắc:
- Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nếu được hoàn ghi giảm giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán) hoặc giảm giá trị hàng hóa (nếu xuất trả lại do vay, mượn…);
- Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi nhập khẩu tài sản cố định, nếu được hoàn ghi giảm chi phí khác (nếu bán tài sản cố định) hoặc giảm nguyên giá tài sản cố định (nếu xuất trả lại);
- Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, tài sản cố định nhưng đơn vị không có quyền sở hữu, khi được hoàn ghi giảm khoản phải thu khác.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được hoàn, được giảm thì kế toán ghi nhận vào thu nhập khác.
Cách hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt
Kế toán thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và đồng thời chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt tính trong giá bán nhưng không có thuế GTGT, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131 (Tổng giá thanh toán)
- Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá bán có thuế tiêu thụ đặc biệt và không có thuế GTGT)
- Có TK 512 – Doanh thu nội bộ (Giá bán có thuế tiêu thụ đặc biệt và không có thuế GTGT)
- Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311).
Khi bán hàng, cung cấp dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và đồng thời chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT (Tổng giá thanh toán), ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131, . . .
- Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
- Có TK 512 – Doanh thu bán hàng nội bộ.
Khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của hàng hoá và dịch vụ đã tiêu thụ trong kỳ, ghi:
- Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
- Nợ TK 512 – Doanh thu bán hàng nội bộ
- Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Kế toán thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trường hợp hàng nhập khẩu
Khi nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, kế toán căn cứ vào hoá đơn mua hàng nhập khẩu và thông báo nộp thuế của cơ quan có thẩm quyền, xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của hàng nhập khẩu, ghi:
- Nợ các TK 152, 156, 211, 611,…
- Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với hàng tạm nhập – tái xuất không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, ví dụ như hàng quá cảnh được tái xuất ngay tại kho ngoại quan, khi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng nhập khẩu, ghi:
- Nợ TK 138 – Phải thu khác
- Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Kế toán hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu
Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất hàng hóa, ghi:
- Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán)
- Có các TK 152, 153, 156 (nếu xuất hàng trả lại).
Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất tài sản cố định, ghi:
- Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Có TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nếu xuất trả lại tài sản cố định)
- Có TK 811 – Chi phí khác (nếu bán tài sản cố định).
Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn khi tái xuất, ghi:
- Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Có TK 138 – Phải thu khác.
Trường hợp nhập khẩu ủy thác (áp dụng tại bên giao ủy thác)
Khi nhận được thông báo về nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác ghi nhận số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, ghi:
- Nợ các TK 152, 156, 211, 611,…
- Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Khi nhận được chứng từ nộp thuế vào ngân sách nhà nước của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước về thuế tiêu thụ đặc biệt, ghi:
- Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Có các TK 111, 112 (nếu trả tiền ngay cho bên nhận ủy thác)
- Có TK 3388 – Phải trả khác (nếu chưa thanh toán ngay tiền thuế tiêu thụ đặc biệt cho bên nhận ủy thác)
- Có TK 138 – Phải thu khác (ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế tiêu thụ đặc biệt).
Bên nhận ủy thác không phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp như bên giao ủy thác mà chỉ ghi nhận số tiền đã nộp thuế hộ bên giao ủy thác, ghi:
- Nợ TK 138 – Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)
- Nợ TK 3388 – Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
- Có các TK 111, 112.
Khi nộp tiền thuế tiêu thụ đặc biệt vào Ngân sách Nhà nước
Nội dung phải ghi:
- Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Có các TK 111, 112.
Kế toán thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khi bán hàng hóa, tài sản cố định, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm
Khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về số thuế ở khâu bán được giảm, được hoàn, ghi:
- Nợ TK 3332 – Thuế thu nhập đặc biệt
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
Trường hợp xuất sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để tiêu dùng nội bộ, cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo không thu tiền
- Nợ các TK 641, 642
- Có các TK 154, 155
- Có TK 3332 – Thuế thu nhập đặc biệt.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Hướng dẫn cách hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM