Cách tính thuế TNCN theo lương net

by Lê Vi

Khi nhận thỏa thuận về tiền lương với ứng viên, nhiều nhà tuyển dụng sẽ đề nghị trả lương net. Vậy lương net là gì? Cách tính thuế TNCN theo lương net như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ cung cấp thông tin cho bạn về vấn đề này.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2014;
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh;
  • Thông tư số 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Công văn 2204/TCT-TNCN ngày 25/5/2017 của Tổng cục thuế gửi Cục thuế TP Hà Nội.

Lương net là gì?

Khi giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có thể lựa chọn hình thức trả lương là lương net.

Theo đó, lương NET (NET PAY) là lương sau thuế. Hiểu đơn giản là tiền lương thực tế mà bạn sẽ được công ty trả hàng tháng sau khi đã trừ các khoản thuế phí khác. Đây là số tiền bạn bạn sẽ được nhận và không mất thêm bất kỳ khoản phí nào khác để đóng cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân…

Cách tính thuế TNCN theo lương net

Cách tính thuế TNCN theo lương net

Cách tính thuế TNCN theo lương net

Trước khi tính thuế TNCN theo lương net cần phải quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế theo bảng quy đổi dưới đấy:

Stt Thu nhập làm căn cứ quy đổi/tháng(viết tắt là TNQĐ) Thu nhập tính thuế
1 Đến 4,75 triệu đồng (trđ) TNQĐ/0,95
2 Trên 4,75 trđ đến 9,25trđ (TNQĐ – 0, 25 trđ)/0,9
3 Trên 9,25 trđ đến 16,05trđ (TNQĐ – 0,75 trđ )/0,85
4 Trên 16,05 trđ đến 27,25 trđ (TNQĐ – 1,65 trđ)/0,8
5 Trên 27,25 trđ đến 42,25 trđ (TNQĐ – 3,25 trđ)/0,75
6 Trên 42,25 trđ đến 61,85 trđ (TNQĐ – 5,85 trđ)/0,7
7 Trên 61,85 trđ (TNQĐ – 9,85 trđ)/0,65

(Trích Phụ lục 02/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính)

Khoản 1 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:

  • Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (không bao gồm thu nhập được miễn thuế) cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ;
  • Trường hợp người sử dụng lao động áp dụng chính sách “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định” thì thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế không bao gồm “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định”;
  • Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước và các dịch vụ kèm theo thực tế phát sinh, “tiền nhà giả định” (nếu có)).

Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:

Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận + Các khoản trả thay Các khoản giảm trừ

Trong đó:

Thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng (không bao gồm thu nhập được miễn thuế).

Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động. Cụ thể đó là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

  • Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động. Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc. Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập;
  • Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động. Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), … mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả;
  • Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau: Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…) nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng. Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế; Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế;
  • Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:  Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính;  Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài;
  • Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị;
  • Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động;
  • Các khoản lợi ích khác.

Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Ví dụ cách tính thuế TNCN theo lương net

Bà A là nhân viên của Công ty LĐN, trong hợp đồng lao động công ty LĐN ký với bà A:

  • Bà A được nhận lương NET hàng tháng là 20 triệu đồng
  • Ngoài ra bà A được Công ty trả chi phí thuê nhà hàng tháng, chi phí thuê nhà của bà A là 4 triệu đồng
  • Bà A phải đóng bảo hiểm bắt buộc 1 triệu đồng.
  • Bà A có 1 người phụ thuộc là con gái 8 tuổi.

Bước 1:Xác định chi phí thuê nhà được tính vào thu nhập quy đổi.

  • Thu nhập làm căn cứ quy đổi không bao gồm tiền thuê nhà là: 20.000.000 – (9.000.000 + 3.600.000 + 1.000.000) = 6.400.000 (đồng)
  • Thu nhập tính thuế (theo PL02/TNCN) là:  (6.400.000 – 250.000)/0.9 = 6.833.333 (đồng)
  • Tổng thu nhập chịu thuế của bà A là: 6.833.333 + 9.000.000 + 3.600.000 + 1.000.000 =20.433.333 (đồng)

– 15% tổng thu nhập chịu thuế của bà A là: 20.433.333 x 15% = 3.064.950 (đồng)

Như vậy, tiền thuê nhà được tính vào thu nhập quy đổi của bà A là 3.064.950 đồng.

Bước 2: Xác định số thuế TNCN bà A phải nộp

  • Thu nhập làm căn cứ quy đổi là: 20.000.000 + 3.064.950 – (9.000.000 + 3.600.000 + 1.000.000) = 9.464.950 (đồng)
  • Thu nhập tính thuế (theo PL02/TNCN) là:  (9.464.950 – 750.000)/0.85 = 7.407.707 (đồng)
  • Thuế TNCN bà A phải nộp là: 7.407.707 x 10% – 250.000 =490.770 (đồng)

Trên đây là toàn bộ những thông tin do Luật Đại Nam cung cấp về Cách tính thuế TNCN theo lương net. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ xin liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488