Chuyển nhượng cổ phần hay vốn góp hiện đang là hoạt động phổ biến. Vậy việc chuyển nhượng cổ phần hoặc vốn góp có làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không? Đây chính là những câu hỏi thường được mọi người quan tâm đến nhất. Chính vì vậy, bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ thắc mắc của bạn về Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp, cổ phần
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật chứng khoán năm 2019;
- Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế;
- Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Thế nào là cổ phần?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì cổ phần và vốn góp được quy định như sau:
Công ty cổ phần là loại doanh nghiệp có vốn điều lệ chia thành nhiều phần bằng nhau, mỗi phần đó chính là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức, hoặc cá nhân không quy định bắt buộc, số lượng tối thiểu là 03, không hạn chế số lượng tối đa.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông và có thể có cổ phần ưu đãi gồm cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và các cổ phần ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang bằng nhau. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi nhưng cổ phần ưu đãi có thể chuyển thành cổ phần phổ thông theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Thế nào là vốn góp?
Theo quy định tại khoản 27 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Có phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử có xác nhận quyền sở hữu của một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Mặt khác, khoản 1 Điều 4, Luật chứng khoán năm 2019 thì chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu với tài sản, hoặc chính phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại dưới đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
- Chứng khoán phái sinh;
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Tóm lại, việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần sẽ được coi là chuyển nhượng chứng khoán. Và việc chuyển nhượng chứng khoán phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Hướng dẫn kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần, vốn góp
Thứ nhất, hướng dẫn kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần
Nguyên tắc khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần
Theo quy định tại Điểm g khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo từng lần phát sinh, bao gồm:
Thuế thu nhập cá nhân do cá nhân trực tiếp khai thuế hoặc tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng.
Hồ sơ khai thuế TNCN chuyển nhượng cổ phần
- Mẫu 04/CNV-TNCN kèm theo bảng kê 04-1/CNV-TNCN (áp dụng đối với tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho nhiều cá nhân) – Mẫu theo thông tư 80/2021/TT-BTC;
- Bản sao Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán. Trong trường hợp góp vốn bằng chứng khoán thì Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán được thay bằng bản sao Hợp đồng góp vốn.
Nơi nộp hồ sơ khai thuế: Cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, đầu tư vốn thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý đơn vị phát hành.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: Chậm nhất ngày thứ 10 kể từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế
Thứ hai, hướng dẫn kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng vốn góp
Nguyên tắc khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển vốn góp
- Cá nhân cư trú chuyển nhượng vốn góp khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập.
- Cá nhân không cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế mà tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thực hiện khấu trừ thuế và khai thuế theo khoản 1 Điều này. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng là cá nhân thì chỉ khai thuế theo từng lần phát sinh không khai quyết toán thuế đối với nghĩa vụ khấu trừ.
- Doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
Lưu ý: trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện việc khai thay hồ sơ khai thuế của cá nhân. Doanh nghiệp khai thay ghi cụm từ “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của doanh nghiệp.
Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể hiện người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng vốn góp (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú) hoặc cá nhân nhận chuyển nhượng vốn (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú).
Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp
Cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp khai thuế theo mẫu sau:
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn mẫu số 12/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản chụp Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp;
- Tài liệu xác định trị giá vốn góp theo sổ sách kế toán, hợp đồng mua lại phần vốn góp trong trường hợp có vốn góp do mua lại;
- Bản chụp các chứng từ chứng minh chi phí liên quan đến việc xác định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản chụp đó.
Cơ quan thuế lập Thông báo số thuế phải nộp mẫu số 12-1/TB-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho cá nhân (kể cả trường hợp không phát sinh số thuế phải nộp).
Nơi nộp hồ sơ khai thuế: Cá nhân, doanh nghiệp khai thay nộp hồ sơ khai thuế chuyển nhượng vốn góp tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có vốn góp chuyển nhượng.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: Cá nhân khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp khai thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.
Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước thời điểm làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn theo quy định của pháp luật.
Thời hạn nộp thuế: Thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên Thông báo nộp thuế của cơ quan thuế.
Qua bài viết này hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc được những thông tin cần tìm hiểu về vấn đề: Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp, cổ phần do Luật Đại Nam cung cấp. Nếu còn các vấn đề thắc mắc khác chưa được đề cập trong bài viết. Liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân online
- Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN cho nhân viên thời vụ
- Hướng dẫn thủ tục đóng mã số thuế cá nhân