Hiện nay có nhiều trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng lại không đăng ký kết hôn. Vậy những trường hợp trên thì quan hệ tài sản cũng như những nghĩa vụ khác được thực hiện thế nào? trong bài viết dưới đây Luật Đại Nam xin giới thiệu với bạn đọc về nội dung Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không ĐKKH.
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không ĐKKH thế nào?
Theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Theo quy định trên, việc giải quyết vấn đề liên quan đến tài sản trong trường hợp này sẽ được giải quyết theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, việc giải quyết sẽ dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Các bên ở đây bao gồm hai người sống chung với nhau và bên thứ ba (nếu có). Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, hạn chế tranh chấp, đồng thời cũng là cơ chế để giảm tải khối lượng công việc đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì việc giải quyết sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật liên quan. Việc giải quyết vấn đề giữa các bên dựa vào quy định của Luật liên quan chỉ được thực hiện khi các bên không có sự thỏa thuận (không thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không thể đồng nhất ý chí với nhau). Bên cạnh đó, dù hai người đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng lại không được ghi nhận về mặt pháp lý, không được có quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận quan hệ vợ chồng. Do vậy, không thể áp dụng các quy định của Luật hôn nhân gia đình để giải quyết vấn đề tài sản. Nếu cùng áp dụng như trường hợp có đăng ký kết hôn sẽ tạo một tiền đề xấu, người không đăng ký kết hôn cũng được sử dụng những căn cứ như người có đăng ký, dẫn đến việc người dân xem nhẹ việc đăng ký, gây khó khăn cho cơ chế quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ ba, việc giải quyết phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Pháp luật luôn dự trù những quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế. Dù không có đăng ký kết hôn nhưng giữa họ vẫn chung sống như vợ chồng, cùng nhau đóng góp công sức để duy trì cuộc sống chung. Ngay cả trong trường hợp người phụ nữ không tạo ra của cải, vật chất để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày nhưng họ vẫn có công trong việc duy trì cuộc sống chung để bình ổn gia đình, hỗ trợ người còn lại tạo ra thu nhập nên pháp luật coi việc nội trợ cũng như những việc làm khác có liên quan là lao động có thu nhập, đảm bảo sự công bằng trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ giữa nam và nữ.
Như vậy, trường hợp hai người chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì khi có tranh chấp với nhau về tài sản sẽ áp dụng quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật liên quan để giải quyết mà không áp dụng các quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Theo Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.”
Theo khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định:
“2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”
Theo đó, trường hợp đủ điều kiện kết hôn theo quy định, chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không ĐKKH. Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc cần câu trả lời, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM:
- Tài sản trước khi kết hôn là của ai?
- Điều kiện kết hôn với người nước ngoài
- Ly hôn là gì? Quy định về ly hôn mới nhất năm 2023