Bên cạnh hợp đồng lao động thì chúng ta cũng nghe nhắc đến hợp đồng làm việc. Vậy hợp đồng làm việc là gì? Pháp luật quy định thế nào về hợp đồng làm việc. Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây !
Nội Dung Chính
Hợp đồng làm việc là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức 2010 thì hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Trong đó: Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Các loại hợp đồng làm việc
Theo Điều 25 Luật Viên chức 2010 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) thì hợp đồng làm việc bao gồm:
– Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020, trừ trường hợp:
+ Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Viên chức 2010;
+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
+ Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Viên chức 2010;
+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Nội dung, hình thức, thẩm quyền ký hợp đồng làm việc
Nội dung hợp đồng làm việc
Khoản 1 Điều 26 Luật Viên chức 2010 quy định hợp đồng làm việc có những nội dung chủ yếu sau:
– Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
– Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.
Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng;
– Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;
– Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);
– Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
– Chế độ tập sự (nếu có);
– Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;
– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
– Hiệu lực của hợp đồng làm việc;
– Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định Luật Viên chức 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hình thức của hợp đồng làm việc
Theo khoản 2 Điều 26 Luật Viên chức 2010, hợp đồng làm việc được ký kết thành văn bản và được lập thành ba bản, trong đó một bản giao cho viên chức.
Thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc
Khoản 3 Điều 26 Luật Viên chức 2010 quy định thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc như sau:
– Hợp đồng làm việc được ký kết người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người được tuyển dụng làm viên chức.
– Đối với các chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật do cấp trên của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm thì trước khi ký kết hợp đồng làm việc phải được sự đồng ý của cấp đó.
Thay đổi nội dung hợp đồng làm việc
Theo khoản 1 Điều 28 Luật Viên chức 2010, khoản 3 Điều 20 Nghị định 115/2020/NĐ-CP: Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc để hai bên tiến hành thỏa thuận:
– Trường hợp thỏa thuận được về các nội dung thay đổi: Tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc bằng một trong 02 cách:
+ Ký kết phụ lục hợp đồng làm việc có những nội dung thay đổi đó;
+ Ký kết hợp đồng làm việc mới có những nội dung thay đổi đó.
– Trường hợp không thoả thuận được về các nội dung thay đổi:
+ Các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết; hoặc
+ Thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
Trong thời gian tiến hành thoả thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết.
Kết luận
Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “ Hợp đồng làm việc là gì ?“. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề pháp lý có liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi về đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489
– Hotline: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM
Thuế thu nhập cá nhân khi thử việc