Giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai

by Hồng Hà Nguyễn

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Đất đai có vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người, nó có ý nghĩa hàng đầu trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia. Xã hội ngày càng phát triển, các tranh chấp hành chính càng trở nên phức tạp và rắc rối hơn, đặc biệt trong đó là các vụ án hành chính liên quan đến vấn đề đất đai. Các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất phức tạp, phát sinh nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội. Cùng Luật Đại Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai

Giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai

Khởi kiện vụ án hành chính về đất đai

Đối với khởi kiện vụ án hành chính về đất đai, không phải bất cứ ai cứ có đơn khởi kiện là Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án. Để được Tòa án thụ lý một vụ án hành chính về đất đai thì người khởi kiện phải đáp ứng đủ các điều kiện khởi kiện như sau:

Một là, về người khởi kiện

Thứ nhất, người khởi kiện phải là cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hành chính. Cá nhân là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, cá nhân là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính về đất đai được xác định là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có quyền khởi kiện vụ án hành chính về đất đai.

Thứ hai, người khởi kiện phải là người có quyền, lợi ích phải bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai. Do đó, khi tham gia khởi kiện vụ án hành chính về đất đai thì người khởi kiện phải chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thì mới có quyền khởi kiện vụ án ra Tòa án để giải quyết.

Hai là, về đối tượng khởi kiện.

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì đối tượng khởi kiện vụ án hành chính về đất đai bao gồm: quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai. Đồng thời quyết định hành chính, hành vi hành chính phải có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, trừ các quyết định, hành vi sau đây: quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Ba là, thời hiệu khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định khác nhau đối với từng đối tượng khởi kiện. Theo Điều 116 Luật Tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện quyết định quản lý hành chính đất đai là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính đó.

Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính về đất đai là kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính cho đến ngày khởi kiện.

Thụ lý vụ án hành chính về đất đai

Thụ lý vụ án hành chính là việc Tòa án chính thức chấp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp hành chính của người khởi kiện. Việc khởi kiện ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện khởi kiện còn đáp ứng các điều kiện khác như nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định và không thuộc các trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện.

Thời điểm thụ lý vụ án hành chính về đất đai: Tòa án thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lý.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện quy định; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính. Kết quả xử lý đơn của thẩm phán phải được thông báo cho người khởi kiện, phải ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo trên cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp về thừa kế đất đai

Thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử vụ án hành chính về đất đai

Đây là một giai đoạn của quá trình tố tụng, được thực hiện trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Điều 20 Luật Tố tụng hành chính quy định: Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào Tòa án cũng có trách nhiệm tiến hành đối thoại, bởi lẽ có những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại khi giải quyết, đó là những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các Điều 135, 198 và 246 Luật Tố tụng hành chính.

Kết luận

Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề trên. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề pháp lý có liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi về đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489

– Hotline: 02462.544.167

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488