Từ lâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc không còn là một chức danh xa lạ đối với cơ cấu tổ chức quản lý của một doanh nghiệp. Vì vậy, việc các doanh nghiệp cần nắm rõ các kiến thức và vấn đề pháp lý xoay quanh chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc là vô cùng quan trọng. Qua đó, bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin làm rõ cho quý khách hàng về Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc được không?
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật chứng khoán 2019.
Chủ tịch Hội đồng quản trị là gì?
Căn cứ khoản 24 Điều 4, khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Chủ tịch Hội đồng quản trị là một trong những người quản lý doanh nghiệp.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị là thành viên của Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm chức Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty (trừ trường hợp Công ty đại chúng và Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty) hoặc theo điều lệ công ty có quy định khác.
Tổng giám đốc là gì?
Căn cứ khoản 24 Điều 4, khoản 1 Điều 63 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Tổng giám đốc, tương tư như Chủ tịch Hội đồng quản trị, cũng là một trong những người quản lý doanh nghiệp.
- Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, Giám đốc và Tổng Giám đốc thực tế chỉ là một chức danh. Họ giữ vai trò là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý mình trong trong công ty.
Quyền và nhiệm vụ của Tổng giám đốc
Quyền và nhiệm vụ của Tổng giám đốc như sau:
- Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;
- Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị;
- Tổ chức thực hiện chiến lược kinh doanh và phương hướng đầu tư của công ty;
- Kiến nghị cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
- Các quyết định liên quan đến lương, thưởng cho lao động của công ty;
- Tuyển dụng lao động;
- Đưa ra phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của Hội đồng quản trị.
Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và quyết định của Hội đồng quản trị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc được không?
Đối với công ty cổ phần thì căn cứ vào khoản 2 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020 và tại Điều 275 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định:
Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng và công ty cổ phần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
Như vậy Giám đốc công ty cổ phần được kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị nếu trừ trường hợp là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng hoặc công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Còn đối với các Công ty Cổ phần không thuộc diện này, có thể cân nhắc tùy theo mục đích hoạt động của doanh nghiệp. Có thể đảm nhiệm để thuận tiện; hoặc tách bạch để tránh xung đột lợi ích, cân bằng quyền lực…
Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định mô hình tổ chức của công ty cổ phần như sau:
- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Như vậy các công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình nêu trên và công ty cổ phần hoạt động theo mô hình nào cũng đều phải có Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.
Mối quan hệ về việc điều phối hoạt động và giám sát vận hành công ty, kiểm tra biện chứng
- Theo điểm k khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng quản trị giám sát, chỉ đạo Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. Với tư cách là thành viên của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể giám sát Tổng giám đốc.
- Căn cứ khoản 1 Điều 159 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc trong công ty cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của đơn vị trong công ty.
Như vậy, Chủ tịch có quyền yêu cầu Giám đốc cung cấp các báo cáo liên quan đến hoạt động của công ty.
Mối quan hệ về việc phối hợp để điều hành công ty
trong quá trình điều hành công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc phải cùng chịu trách nhiệm đối với các cổ đông của công ty trong một số trường hợp, cụ thể:
- Căn cứ theo khoản 3 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2020 Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu
- Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp (theo Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020)
- Vi phạm trách nhiệm của người quản lý công ty theo quy định tại Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị đối với quyền và nghĩa vụ được giao;
- Lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc được không? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM
- Hội đồng quản trị công ty cổ phần
- Chủ tịch hội đồng thành viên là gì?
- Quy định pháp luật về chủ tịch hội đồng quản trị