Giáo viên nữ nghỉ thai sản trùng nghỉ hè giải quyết thế nào?

by Trần Giang

Khác biệt so với nhiều ngành nghề khác, giáo viên sẽ có khoảng thời gian nghỉ hè từ 02-03 tháng, do đó chế độ đối với lao động nữ mang thai là giáo viên cũng sẽ có những điểm khác biệt. Trong bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ chia sẻ tới bạn đọc các thông tin về: Giáo viên nữ nghỉ thai sản trùng nghỉ hè giải quyết thế nào?

Giao-vien-nu-nghi-thai-san-trung-ky-nghi-he-thi-giai-quyet-nhu-the-nao.jpg

Giáo viên nữ nghỉ thai sản trùng nghỉ hè giải quyết thế nào?

Cơ sở pháp lý

  • Bộ Luật Lao động năm 2019;
  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
  • Luật Giáo dục năm 2013
  • Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB

Thời gian nghỉ hè của giáo viên như thế nào?

Thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT như sau:

2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);…

Thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông được quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT như sau:

4. Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 70 Luật Giáo dục, nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề gọi là giảng viên, các giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp gọi là giáo viên.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 07/2017/TT-BLDTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp như sau:

2. Thời gian nghỉ hằng năm của nhà giáo là 08 tuần,… bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, trong đó:

a) Thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép hằng năm,…”

Cũng căn cứ vào Điều 113, Điều 114, Bộ luật Lao động năm 2019 về nghỉ hằng năm như sau:

Điều 113. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Điều 114. Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Như vậy, thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non là 08 tuần, thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông (từ tiểu học đến trung học phổ thông) là 02 tháng, trong đó bao gồm cả ngày nghỉ hằng năm.

Giáo viên nữ nghỉ thai sản trùng nghỉ hè giải quyết thế nào?

Căn cứ Mục 3 Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB, trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè sẽ được giải quyết như sau:

Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 Bộ Luật lao động hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 115 Bộ Luật Lao động. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính.

Theo quy định này, có thể hiểu rằng, khi giáo viên nữ có thời gian nghỉ chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè, thì sẽ không được giải quyết nghỉ bù thời gian nghỉ hè mà sẽ chỉ được bố trí sắp sếp nghỉ theo diện nghỉ phép hàng năm (thời gian nghỉ từ 12-14 ngày tùy thuộc vào thời gian công tác của từng đối tượng theo quy định tại Điều 111 Bộ luật lao động 2019).

Khác với chế độ dành cho giáo viên bình thường, giáo viên nữ có thời gian nghỉ chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì thời gian nghỉ hè sẽ được coi là thời gian nghỉ chế độ thai sản của giáo viên đó.

Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian nghỉ hè của giáo viên nữ chỉ được hưởng trợ cấp thai sản, không được hưởng tiền lương thời gian hè. Thời gian hè đó giáo viên sẽ được nghỉ bù bằng thời gian nghỉ phép hàng năm theo quy định của bộ luật lao động.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của Luật Đại Nam về: Giáo viên nữ nghỉ thai sản trùng nghỉ hè giải quyết thế nào? Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về thủ tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần xin liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488