Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

by Trần Giang

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là giấy tờ quan trọng để ghi nhận lại số ngày nghỉ việc của người lao động. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu loại giấy tờ trên là gì, có ý nghĩa thế nào. Trong bài viết dưới đây Luật Đại Nam sẽ chia sẻ tới bạn đọc thông tin có liên quan tới vấn đề trên: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Giay-chung-nhan-nghi-viec-huong-bao-hiem-xa-hoi.jpg

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất, dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội. Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội ở mỗi nước.

Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay có 2 loại là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

  • Bảo hiểm xã hội bắt buộc: Là BHXH do Nhà nước tổ chức và bắt buộc người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ: Thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
  • Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn phương thức và mức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia đóng tiền BHXH để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Trường hợp nào cần giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội

Giấy chứng nhận nghỉ việc hiện nay được dùng để xác nhận số ngày nghỉ việc của người lao động dùng cho các mục đích như điều trị ngoại trú do ốm đau, thai sản và chăm con ốm làm căn cứ tính trợ cấp BHXH theo quy định.

Căn cứ vào Quy trình giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe tại Điều 4, Quyết định số 166/QĐ-BHXH ban hành ngày 31/1/2019 các trường hợp cần giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH gồm:

  • Trường hợp điều trị ngoại trú (Quy định tại Mục 2.1.2, Khoản 2, Điều 4)
  • Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai điều trị ngoại trú (Quy định tại Điểm b, Mục 2.2.1, Khoản 2, Điều 4)
  • Trường hợp lao động nữ sinh con khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định điều trị ngoại trú (Quy định tại Điểm đ2, Mục 2.2.2, Khoản 2, Điều 4).

Như vậy, để được hưởng chế độ BHXH trong một số trường hợp người lao động buộc phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Tuy nhiên, loại giấy này chỉ được cấp theo quy định của Bộ Y tế.

Điều kiện cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội

Người lao động được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được quy định tại Khoản 1, Điều 20, Thông tư 56/2017/TT-BYT về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cần đáp ứng các yêu cầu như sau:

  • Phải được cấp bởi cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời, người làm việc tại cơ sở này ký giấy chứng nhận hợp lệ khi được thực hiện theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh đó;
  • Giấy chứng nhận đảm bảo phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
  • Người lao động nghỉ việc được cấp giấy chứng nhận phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Như vậy, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh cần lưu ý khi cấp giấy và xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bổ sung vào hồ sơ. Những trường hợp giấy không đáp ứng đủ điều kiện nêu trên sẽ được cho là không hợp lệ và không được chấp nhận.

Hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội

Hình thức cấp giấy chứng nhận sẽ căn cứ theo các trường hợp cụ thể, người lao động xin cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH cần chuẩn bị một số giấy tờ sau:

Trường hợp đã điều trị nội trú

Đối với người lao động hoặc con của người lao động dưới 07 tuổi: Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Đối với trường hợp người bệnh có chuyển viện trong quá trình điều trị thì hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận có thêm giấy chuyển tuyến (bản sao hợp lệ)

Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh thì không cần giấy ra viện. Việc thực hiện chế độ BHXH cho khoảng thời gian điều trị tại cơ sở y tế trước khi tử vong được căn cứ theo mốc thời gian ghi trên giấy báo tử (mẫu TP/HT/1999-C1 theo Quyết định số 1203-QĐ/1998/TP-HT)

Trường hợp đang điều trị ngoại trú

Đối với người lao động hoặc con của lao động dưới 07 tuổi: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT. (mẫu bên dưới)

Trường hợp người lao động sau khi ra viện tiếp tục điều trị thì cơ quan BHXH căn cứ số ngày nghỉ ghi trên giấy ra viện làm căn cứ thanh toán chế độ BHXH theo quy định.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của Luật Đại Nam về: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về thủ tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần xin liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488