Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn đơn phương chính xác nhất

by Nguyễn Thị Giang

Để ly hôn đơn phương, bạn cần chuẩn bị đơn và hồ sơ ly hôn để gửi đến tòa án. Nếu bạn chưa biết cách viết đơn ly hôn đơn phương ra sao để được Tòa án chấp nhận; Hồ sơ, giấy tờ ly hôn đơn phương gồm những gì? Làm sao để tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương nhanh? Để hiểu rõ về vấn đề này, Luật Đại Nam  xin có bài viết hướng dẫn cụ thể nội dung Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn đơn phương chính xác nhất như sau:

Cơ sở pháp lý:

  • Luật hôn nhân gia đình 2014
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP về biểu mẫu trong tố tụng dân sự

Đơn ly hôn đơn phương là gì?

Để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, người yêu cầu bắt buộc phải có đơn gửi đến Tòa. Đơn ly hôn đơn phương là đơn trình bày các thông tin về quan hệ hôn nhân và các yêu cầu của người yêu cầu ly hôn đề nghị được Tòa án giải quyết. Đơn ly hôn là cơ sở để tòa án giải quyết ly hôn đơn phương.

Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) quy định trường hợp ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Do đó, đơn ly hôn đơn phương cần được viết theo quy định về đơn khởi kiện theo Điều 189 BLTTDS.

Khi nào được quyền yêu cầu ly hôn đơn phương? 

Theo luật Hôn nhân và gia đình, vợ hoặc chồng; hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Ly hôn đơn phương là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng.

Người vợ có quyền yêu cầu ly hôn bất cứ khi nào. Tuy nhiên để bảo vệ quyền của mẹ và trẻ em, pháp luật quy định trong một số trường hợp, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn gồm:

  • Khi người vợ đang có thai;
  • Khi người vợ đang sinh con;
  • Khi người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, cha, mẹ hoặc người thân thích cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho vợ/chồng.

Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn đơn phương chính xác nhất

Thông tin Tòa án có thẩm quyền giải quyết

Ghi rõ tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn:

  • Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương nào.

Thông tin người khởi kiện và người bị khởi kiện

Trình bày rõ thông tin cơ bản của cả vợ và chồng, bao gồm các thông tin như:

  • Thông tin họ và tên người khởi kiện, họ và tên người bị kiện (được viết bằng chữ in hoa, có dấu);
  • Thông tin ngày tháng năm sinh;
  • Thông tin số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc số hộ chiếu (ghi rõ ngày cấp, nơi cấp);
  • Thông tin nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;
  • Thông tin nơi ở hiện tại,… của hai vợ chồng.

Thông tin tình cảm vợ chồng

Người viết đơn ly hôn ghi rõ những nội dung sau đây:

Địa điểm kết hôn, thời gian kết hôn, thời gian hai người chung sống.

Trình bày rõ vợ chồng còn đang ở chung với nhau hay không? Có ly thân không? Đã ly thân được bao nhiêu năm (nếu có)?

Trình bày tình trạng mâu thuẫn vợ chồng và nguyên nhân ly hôn.

Mâu thuẫn vợ chồng được hòa giải tại cơ quan hay địa phương chưa?

Trình bày rõ căn cứ để đơn phương ly hôn như:

  • Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình. Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
  • Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
  • Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

Căn cứ ly hôn được coi là nội dung quan trọng nhất trong phần đơn khởi kiện ly hôn.

Đây là nội dung mang tính quyết định nhất, bởi, rất nhiều người bị Tòa án trả lại đơn vì căn cứ ly hôn không hợp lệ.

Thông tin con chung

  • Trình bày rõ thông tin con cái bao gồm: số lượng con chung, họ và tên con, giới tính, ngày/tháng/năm sinh…

Nếu vợ chồng thỏa thuận được với nhau người trực tiếp nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng thì ghi rõ sự thỏa thuận của vợ chồng;

  • Trong trường hợp chưa đi tới thống nhất người trực tiếp nuôi con khi ly hôn thì người làm đơn ly hôn cần ghi rõ nguyện vọng nuôi con hoặc nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trong trường hợp cả hai không thể tự thỏa thuận về việc nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện vật chất, điều kiện về tinh thần và tư cách đạo đức của vợ/chồng để quyết định người trực tiếp nuôi con khi ly hôn.

  • Nếu vợ chồng chưa có con chung, thì ghi “Không có”.

 Thông tin tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Đây là nội dung để tòa án làm căn cứ để phân chia tài sản cho vợ chồng sau ly hôn.

  • Trường hợp không có tài sản chung thì ghi Vợ chồng chúng tôi không có tài sản chung.
  • Trường hợp vợ chồng đã thỏa thuận được phân chia toàn bộ tài sản chung thì nêu rõ sự thỏa thuận của vợ chồng. Hoặc vợ chồng tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Trường hợp vợ chồng chưa đi tới thống nhất phân chia tài sản chung thì nếu có tài sản chung, phải thống kê chi tiết số tài sản chung của vợ chồng, yêu cầu nguyện vọng trong việc phân chia tài sản đó.

Thông tin nợ chung và các nghĩa vụ tài chính khác trong thời kỳ hôn nhân

Tòa án sẽ căn cứ vào thông tin các khoản nợ chung để xác định trách nhiệm trả nợ của vợ chồng.

  • Nếu vợ chồng không có nợ chung ghi vào trong đơn là “Vợ chồng chúng tôi không cho ai vay nợ và cũng không nợ ai nên không yêu cầu Tòa án giải quyết”.
  • Nếu vợ chồng có khoản nợ chung, không đạt được sự thống nhất trong trách nhiệm trả nợ thì cần thống kê đầy đủ, chi tiết các khoản nợ chung, chủ nợ là ai, thời gian nợ, thời gian phải trả nợ, tên tài sản nợ,người làm chứng (nếu có) …

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Có thể thỏa thuận tăng mức cấp dưỡng nuôi con không? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488