Lao động nữ trong thời gian thử việc mà mang thai có bị hạn chế quyền và nghĩa vụ gì theo quy định pháp luật lao động hay không là vấn đề được rất nhiều lao động nữ quan tâm. Trong bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ chia sẻ tới bạn đọc thông tin về Mang thai trong thời gian thử việc có bị đuổi việc không?
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Bộ Luật Lao động năm 2019;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Hợp đồng thử việc là gì?
Bộ luật Lao động năm 2019 không nêu rõ khái niệm về hợp đồng thử việc mà chỉ quy định về thử việc tại khoản 1 Điều 24 như sau:
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Theo đó, có thể hiểu, hợp đồng thử việc là thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về việc làm thử. Như vậy, những thỏa thuận liên quan đến công việc làm thử như điều kiện làm việc, quyền và lợi ích giữa các bên… sẽ được ghi nhận tại hợp đồng thử việc.
Lưu ý: Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Theo Điều 21, khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019, nội dung của hợp đồng thử việc bao gồm:
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD/CMND hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
– Công việc và địa điểm làm việc;
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Mang thai có bắt buộc phải báo với công ty không?
Hiện nay, chưa có quy định nào yêu cầu người lao động phải báo cáo với người sử dụng lao động về việc mang thai. Bộ luật Lao động số 10 năm 2019 cùng những văn bản liên quan khác đều không có quy định nào bắt buộc người lao động phải thông báo việc mình đang mang thai.
Trong một số trường hợp cụ thể, người lao động nên thông báo để được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cụ thể có thể liệt kê một số quyền và lợi ích đối với người lao động đang mang thai tại Điều 137 Bộ Luật Lao động năm 2019 như sau:
“Điều 137. Bảo vệ thai sản
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.”
Như vậy, hiện nay theo quy định thì lao động nữ không bắt buộc phải báo cho người sử dụng lao động biết việc mình đang mang thai. Tuy nhiên, ở một số công ty vì tính chất đặc thù của công việc, nội quy công ty có quy định riêng về việc thông báo mang thai hoặc mang thai của lao động nữ.
Do đó, lao động nữ khi có thai cần cân nhắc và xem xét mọi điều kiện về quyền, lợi ích hợp pháp của mình để quyết định việc có thông báo mang thai cho người sử dụng lao động biết hay không.
Mang thai trong thời gian thử việc có bị đuổi việc không?
Khi được tuyển dụng, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Đây là khoảng thời gian để người sử dụng lao động đánh giá chất lượng làm việc của người lao động. Đồng thời, cũng là thời gian người lao động dần làm quen với công việc được tuyển dụng.
Đồng thời, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận. Đây là quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019: Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Do đó, trong thời gian thử việc, người sử dụng lao động chỉ được hủy bỏ thỏa thuận thử việc nếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.
Ngoài ra, hiện nay pháp luật không có quy định nào về việc người sử dụng lao động được quyền chấm dứt thử việc khi người lao động mang thai.
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được hủy bỏ việc thử việc của người lao động nếu người này không đáp ứng được yêu cầu của công việc đã thỏa thuận mà không được lấy lý do người lao động đang mang thai.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của Luật Đại Nam về: Mang thai trong thời gian thử việc có bị đuổi việc không? Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về thủ tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần xin liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM
- Mẫu đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần
- Đóng bảo hiểm xã hội 21 năm có rút được 1 lần được không?
- Có được ủy quyền nhận bhxh 1 lần không