Quy định pháp luật về chủ tịch hội đồng quản trị

by Trần Giang

Hiện nay, trước tình hình nhu cầu thành lập doanh nghiệp xu hướng tăng tuy nhiên quy mô, tổ chức, cách thức hoạt động của một công ty gồm những gì thì không phải ai cũng nắm được. Hãy cùng chúng tôi – Luật Đại Nam tìm hiểu về bộ máy hoạt động của công ty cổ phần qua bài viết sau đây: Quy định pháp luật về chủ tịch hội đồng quản trị.

Căn cứ pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Chủ tịch Hội đồng quản trị là gì?

Chỉ có loại hình Công ty cổ phần là có chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện cho cơ quan cao nhất của công ty.

Còn đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty hợp danh thì người đại diện cho cơ quan cao nhất của công ty là Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Căn cứ khoản 24 Điều 4, khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020:

  • Chủ tịch Hội đồng quản trị là một trong những người quản lý doanh nghiệp.
  • Chủ tịch Hội đồng quản trị là thành viên của Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm chức Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty (trừ trường hợp Công ty đại chúng và Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty) hoặc theo điều lệ công ty có quy định khác.

Quy định pháp luật về chủ tịch hội đồng quản trị

Chủ tịch Hội đồng quản trị là thành viên của Hội đồng quản trị nên trước hết để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị phải đáp ứng điều kiện trở thành thành viên Hội đồng quản trị, cụ thể căn cứ Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị được quy định như sau:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật này, gồm:
  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

  • Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
  • Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác;
  • Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

  • Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;
  • Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;
  • Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;
  • Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
  • Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Quy định pháp luật về chủ tịch hội đồng quản trị. Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488