Số lượng người và cách ghi tên trên Sổ đỏ, Sổ hồng

Số lượng người và cách ghi tên trên Sổ đỏ, Sổ hồng

by Đàm Như

Không phải lúc nào cách ghi tên trên Sổ đỏ, sổ hồng cũng thể hiện rằng người đó là người duy nhất có quyền sử dụng, mà còn tùy từng trường hợp để xác định được ai là người có quyền sử dụng. Vậy số lượng người và cách ghi tên trên Sổ đỏ, Sổ hồng như thế nào? Cùng Luật Đại Nam giải đáp các vấn đề liên quan trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Cơ sở pháp lý

  • Luật Đất đai năm 2013;
  • Thông tư 33/2017/TT-BTNMT;
  • Thông tư 23/2014/TT-BTNMT;

Sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Pháp luật hiện nay không có khái niệm về sổ đỏ, sổ hồng mà đây chỉ là cách gọi của người dân về hai loại giấy chứng nhận liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất.

Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 có giải thích Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Số lượng người và cách ghi tên trên Sổ đỏ, Sổ hồng

Số lượng người và cách ghi tên trên Sổ đỏ, Sổ hồng

Do đặc trưng bên ngoài mà người dân dễ dàng gọi với tên quen thuộc “Sổ đỏ” để chỉ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì có phần trang  đầu có màu đỏ và tương tự với “Sổ hồng” để chỉ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở vì có phần trang đầu có màu hồng. 

Sổ đỏ, Sổ hồng có giá trị pháp lý như nhau vì đều là chứng thư pháp lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở.

Số lượng người đứng tên trên Sổ đỏ, sổ hồng

  • Nhiều người đứng tên trên Giấy chứng nhận: Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận như sau:
  • “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”
  • Hai vợ chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận (trừ trường hợp có thỏa thuận của hai vợ chồng):

“ Căn cứ tại khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.”

Như vậy, nếu thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền. Trường hợp thửa đất là tài sản chung của hai chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận. Hay nói cách khác, Giấy chứng nhận không giới hạn về số lượng người đứng tên trên Giấy chứng nhận nếu họ có chung quyền.

Cách ghi tên trên Sổ đỏ, sổ hồng

Cách ghi tên nhiều người trên Sổ đỏ

Căn cứ tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có chung quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do nhận thừa kế thì ghi như sau:

– Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận; tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)“.

– Thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp 01 Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó.

Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:… (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)“.

– Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi “và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này“.

Cách ghi tên hai vợ chồng trên Sổ đỏ, sổ hồng

Căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT và điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng như quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này”.

 Căn cú tại điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định: “Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”;

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về ghi tên trên Sổ đỏ, sổ hồng để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé.

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

Email: luatdainamls@gmail.com

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488