Thời hạn sở hữu nhà ở là một vấn đề được pháp luật công nhận. Vậy thời hạn sở hữu nhà ở và hồ sơ, thủ tục gia hạn được thực hiện như nào? Cùng Luật Đại Nam giải đáp các vấn đề liên quan trong nội dung bài viết dưới đây nhé!
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý:
- Luật Nhà ở năm 2014;
- Nghị định số 99/2015/NĐ-CP;
- Quyết định 705/QĐ-BXD năm 2021;
Nhà ở là gì? Quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở? Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định: “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.”
Căn cứ tại Điều 4 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở, như sau:
Hộ gia đình, cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này có quyền sở hữu đối với nhà ở đó theo quy định của Luật này.
Căn cứ tại Điều 5 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về bảo hộ quyền sở hữu nhà ở như sau:
- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của các chủ sở hữu theo quy định của Luật này.
- Nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước quyết định trưng mua, trưng dụng, mua trước nhà ở hoặc giải tỏa nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ và thực hiện chính sách tái định cư cho chủ sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Thời hạn sở hữu nhà ở được quy định thế nào?
Ngoài những trường hợp sở hữu nhà ở ổn định lâu dài như nhà ở riêng lẻ xây trên đất ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc chung cư có thời hạn theo thời hạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở (được xem xét gia hạn) thì có một số trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn, cụ thể:
Trường hợp 1: Sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận của các bên
Căn cứ khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2014 được hướng dẫn bởi Điều 73 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, bên bán được bán nhà ở gắn với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hoặc quyền thuê đất ở có nhà ở cho bên mua trong một thời hạn nhất định.
Trong thời hạn sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở theo thỏa thuận của các bên thì bên bán không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp 02 bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn trong trường hợp trên thì 02 bên thỏa thuận cụ thể các nội dung sau:
- Thời hạn bên mua được sở hữu nhà ở.
- Quyền, nghĩa vụ của bên mua trong thời hạn sở hữu nhà ở đó.
- Trách nhiệm đăng ký và cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) cho bên mua.
- Việc bàn giao lại nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở và người nhận bàn giao lại nhà ở đó sau khi hết hạn sở hữu.
- Việc xử lý Giấy chứng nhận đã cấp khi hết hạn sở hữu và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở.
Trong trường hợp 02 bên có thỏa thuận về việc bên mua nhà ở được quyền bán, để thừa kế, để thừa kế, góp vốn bằng nhà ở trong thời hạn sở hữu nhà ở thì bên mua lại, bên được thừa kế, bên nhận tặng cho, bên nhận góp vốn chỉ được sở hữu nhà ở đó theo thời hạn mà bên mua nhà ở lần đầu đã thỏa thuận với chủ sở hữu lần đầu.
Trường hợp 2: Thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam)
- Được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho tổ chức đó. Khi hết hạn sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm.
- Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho tổ chức nước ngoài không ghi thời hạn thì trong Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) cấp cho tổ chức đó cũng được ghi không thời hạn.
- Tổ chức nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản hoặc chấm dứt hoạt động trước khi hết hạn sở hữu nhà ở hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam nhà ở được xử lý theo quy định khoản 1 Điều 8 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
- Trong thời hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc chuyển vốn hoặc sáp nhập theo quy định thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.
Trường hợp 3: Cá nhân nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam
Được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận (Sổ hồng, Sổ đỏ); khi hết thời hạn sở hữu nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thì nộp hồ sơ đề nghị để Nhà nước xem xét gia hạn thêm.
Lưu ý: Trước khi hết hạn sở hữu mà cá nhân, tổ chức nước ngoài bán hoặc tặng cho nhà ở thì người mua, người nhận tặng cho được sở hữu nhà ở theo quy định sau:
- Bên mua, bên nhận tặng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước hoặc người Việt Nam ở nước ngoài thì nhà ở đó được sở hữu ổn định lâu dài.
- Người mua hoặc người nhận tặng cho là tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại; khi hết thời hạn sở hữu còn lại mà chủ sở hữu nhà ở này có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm.
- Bên bán, bên tặng cho phải nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác cho Nhà nước Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam.
Hồ sơ gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
Căn cứ quy định theo điểm 2.3 khoản 2 tiểu mục II Mục C Phần II Danh mục ban hành kèm theo Quyết định 705/QĐ-BXD năm 2021, hồ sơ gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài bao gồm những tài liệu, giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở;
– Bản sao và xuất trình bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đối với nhà ở.
Số lượng hồ sơ: 01
Thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài ra sao?
Căn cứ quy định tại điểm 2.1 khoản 2 tiểu mục II Mục C Phần II Danh mục ban hành kèm theo Quyết định 705/QĐ-BXD năm 2021, thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài được thực hiện như sau:
– Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở 03 tháng, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì phải có đơn ghi rõ thời hạn đề nghị gia hạn thêm kèm theo bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đối với nhà ở và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó xem xét, giải quyết;
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của chủ sở hữu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và có văn bản đồng ý gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu ghi trên Giấy chứng nhận, trừ trường hợp bị buộc xuất cảnh hoặc buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam;
– Căn cứ văn bản đồng ý gia hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm ghi gia hạn trên Giấy chứng nhận; cơ quan cấp Giấy chứng nhận phải sao một bản Giấy chứng nhận và chuyển cho Sở Xây dựng để theo dõi.
Trong đó:
– Cách thức thực hiện:
Gửi hồ sơ đến UBND tỉnh nơi có nhà ở
– Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của chủ sở hữu.
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Văn bản đồng ý gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở
– Lệ phí: Không quy định
Như vậy, việc gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài được thực hiện theo các bước nêu trên.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về thời hạn sở hữu nhà ở, hồ sơ và thủ tục gia hạn để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé.
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Luật sư đất đai là gì?
- Hành vi lấn chiếm đất đai bị xử phạt như thế nào?
- Chính sách về đất đai, nhà ở dành cho người có công