Hiện nay có rất nhiều trường hợp sau khi thực hiện thủ tục để nhận khoản hỗ trợ thất nghiệp thì vì một vài lý do cá nhân mà đã trễ hẹn nhận bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy trong bài viết dưới đây hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu thông tin về việc: Trễ hẹn bảo hiểm thất nghiệp có được hưởng thất nghiệp không?
Cơ sở pháp lý
- Luật việc làm năm 2013
- Nghị định 61/2020/NĐ-CP
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 quy định:
“Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.
Theo đó có thể thấy bảo hiểm thất nghiệp chính là một chế độ được áp dụng với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, khi họ bị mất việc làm sẽ được chi trả một khoản tiền là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập do bị mất việc, ngoài ra còn được hỗ trợ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trong thời gian nghỉ việc.
Như thế nào là trễ hẹn bảo hiểm thất nghiệp?
Trễ hẹn bảo hiểm thất nghiệp được hiểu cụ thể là trễ ngày hẹn bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể khi giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì bên phía trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động nộp hồ sơ sẽ quy định một khoảng thời hạn để người lao động đến giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan tới việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu người lao động không đến trong thời hạn hay còn gọi là ngày hẹn trên thì họ sẽ bị coi là trễ hẹn bảo hiểm thất nghiệp.
Dựa vào các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trễ hẹn bảo hiểm thất nghiệp có hai trường hợp, đó là: trễ hẹn ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trễ hẹn khai báo thất nghiệp.
Trường hợp trễ hẹn ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 20 ngày, người lao động sẽ được nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp vào ngày ghi trên phiếu hẹn trả kết quả. Theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn chậm trễ nhất để người lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm là 03 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả. Quá thời hạn đã được quy định nêu trên sẽ được coi là trễ hẹn ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hay còn được gọi chung là trễ ngày hẹn bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp trễ hẹn khai báo thất nghiệp
Căn cứ theo Điều 52 Luật Việc làm 2013 thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định. Theo đó, sẽ có một thời hạn nhất định để người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm khai báo về tình trạng việc làm hàng tháng. Nếu trong khoảng thời gian này mà không đến khai báo thì sẽ được coi là trễ hẹn khai báo thất nghiệp hay còn gọi là trễ hẹn ngày khai báo tình trạng tìm kiếm việc làm.
Trễ hẹn bảo hiểm thất nghiệp có được hưởng thất nghiệp không?
Trường hợp trễ hẹn ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
Với trường hợp trễ hẹn ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: Theo Khoản 8 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP:
Trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Theo quy định trên, nếu người lao động bị trễ hẹn ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động hết hạn nhận quyết định theo phiếu hẹn trả kết quả. Do đó nếu trễ hẹn ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp trễ hẹn khai báo thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 53 Luật Việc làm năm 2013 về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp thì:
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.
- Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.
Như vậy, đối với trường hợp trễ hẹn khai báo thất nghiệp thì người lao động sẽ bị dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó. Nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì sẽ tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm vào tháng sau đó.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Trễ hẹn bảo hiểm thất nghiệp có được hưởng thất nghiệp không? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM
- Mẫu đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần
- Đóng bảo hiểm xã hội 21 năm có rút được 1 lần được không?
- Có được ủy quyền nhận bhxh 1 lần không?