Sau sinh bao lâu thì làm bảo hiểm thai sản

by Trần Giang

Chế độ thai sản là một phần lợi ích, quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động nên tìm hiểu thời gian nhận làm bảo hiểm thai sản và trong bao lâu thì được nhận tiền trợ cấp thai sản? Bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ chia sẻ rõ hơn vấn đề sau sinh bao lâu thì làm bảo hiểm thai sản để mọi người cùng theo dõi và thực hiện tốt nhất quyền lợi của mình.

Sau sinh bao lâu thì làm bảo hiểm thai sản

Sau sinh bao lâu thì làm bảo hiểm thai sản?

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP Hướng dẫn bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
  • Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
  • Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Điều kiện nhận bảo hiểm thai sản sau sinh

Khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc người lao động đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp thai sản. Đối với lao động nữ sinh con để được hưởng trợ cấp thai sản sẽ phải đáp ứng theo quy định tại Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể, phụ nữ sinh con thỏa mãn một trong các điều kiện sau sẽ được hưởng trợ cấp thai sản:

  • Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

  • Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp lao động nữ sinh con đủ điều kiện quy định tại hai trường hợp trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc đang trong thời gian nghỉ sinh con thì vẫn được hưởng tiền trợ cấp từ chế độ thai sản.

Sau sinh bao lâu thì làm bảo hiểm thai sản?

Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể điều này như sau:

Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.

Như vậy, Sau khi sinh con, bất cứ khi nào đủ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật thì người lao động nộp về cho người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội để được giải quyết chế độ, muộn nhất là sau 45 ngày từ ngày trở lại làm việc. Không có quy định nào bắt buộc người lao động chỉ được nộp hồ sơ sau khi nghỉ thai sản xong và đã đi làm trở lại.

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con hoặc trong thời gian nghỉ thai sản thì không có quy định bắt buộc về thời gian thực hiện thủ tục

Hồ sơ làm bảo hiểm thai sản sau sinh

Căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, tùy thuộc vào từng trường hợp của người lao động mà các giấy tờ hưởng chế độ thai sản sẽ khác nhau.

Đối với người lao động

  • Trường hợp thông thường: Bản sao giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con.
  • Trường hợp con chết sau sinh: Bản sao giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh; bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử của con.

Nếu con chết ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ thể hiện con chết.

  • Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh con: Bổ sung thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ.
  • Trường hợp người mẹ sau sinh hoặc sau khi nhận con không đủ sức khỏe để chăm con: Bổ sung thêm bản chính biên bản giám định y khoa.
  • Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án nếu điều trị nội trú; bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú; bản chính biên bản giám định y khoa nếu phải giám định y khoa.
  • Trường hợp mang thai hộ: Bổ sung bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; văn bản xác nhận thời điểm giao trẻ.

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp

Bản chính Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB) hoặc kê khai qua giao dịch điện tử của bảo hiểm xã hội.

Thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc người lao động phải nộp hồ sơ cho doanh nghiệp. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động) phải nộp cho cơ quan bảo hiểm để cơ quan bảo hiểm tiến hành giải quyết hồ sơ hưởng tiền thai sản cho người lao động.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con hoặc trong thời gian nghỉ thai sản thì người lao động tự nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội để nộp thủ tục.

Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Luật Đại Nam về vấn đề sau sinh bao lâu thì làm bảo hiểm thai sản. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về các thủ tục bảo hiểm xã hội xin liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488