Đất đai là tài sản có giá trị lớn và liên quan đến các tài sản gắn liền trên đất khác của người dân. Do đó, khi Nhà nước quyết định thu hồi thửa đất mà người dân đang sinh sống thì quy trình này cần phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Qua bài viết này Luật Đại Nam xin đưa ra những thông tin về vấn đề này để bạn tham khảo về nội dung: Quy định trình tự thủ tục thu hồi đất như thế nào?
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật Đất đai năm 2013;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Thu hồi đất là gì?
“Thu hồi đất”, hiểu theo khái niệm được quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 thì đó là việc Nhà nước ra quyết định và tiến hành thu hồi lại quyền sử dụng đất đã trao cho người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất nhưng có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Điều 16 và các điều từ Điều 61 đến Điều 65 Luật đất đai năm 2013 thì việc thu hồi đất chỉ diễn ra nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng; phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ví dụ thu hồi đất để làm căn cứ quân sự, bãi tập bắn quân sự hoặc thu hồi đất để làm đường giao thông, làm trường học, bệnh viện…
- Thu hồi đất do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
- Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất hoặc thu hồi đất nhằm di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người hoặc thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật.
Nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện nay
Luật Đất đai 2013 quy định về các nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất gồm 03 nguyên tắc được quy định như sau:
- Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.
- Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
- Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Có mấy phương thức bồi thường thu hồi đất?
Hiện nay, có các phương thức bồi thường thu hồi đất sau:
- Bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi
- Nếu không có đất để bồi thường thu bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất.
- Bồi thường bằng nhà ở, đất ở tại khu tái định cư trong trường hợp thu hồi đất ở.
Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất?
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất đối với trường hợp sau:
- Thu hồi đất của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất trong trường hợp sau:
- Thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
- Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Quy định trình tự thủ tục thu hồi đất như thế nào?
Điều 69 và Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm các bước như sau:
Bước 1: Thông báo thu hồi đất
Khi tiến hành thu hồi đất, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thông báo trước cho người dân.
Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định trước khi có quyết định thu hồi đất cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi cho người sử dụng đất biết trước thời điểm thu hồi một khoảng thời gian nhất định, cụ thể:
- Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.
- Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Bước 2: Điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.
Bước 3: Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư trước khi trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Bước 4: Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ra quyết định thu hồi đất
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh, cấp huyện) quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.
Bước 5: Gửi, phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
- Gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bước 6: Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt
- Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.
- Nếu người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.
Thời gian giải quyết thủ tục bồi thường thu hồi đất mất bao lâu?
Tổng thời gian giải quyết thủ tục thu hồi đất là không quá 15 ngày, kể từ ngày Bộ phận Một cửa cấp huyện nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hồ sơ đề nghị thu hồi đất; không tính thời gian niêm yết công khai quyết định phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; không tính thời gian thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư; không tính thời gian vận động, thuyết phục người có đất thu hồi bàn giao đất hoặc thời gian cưỡng chế thu hồi đất (nếu có); không tính thời gian xác nhận biến động vào Giấy chứng nhận và cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có); không tính thời gian trả Giấy chứng nhận cho người có đất bị thu hồi.
- Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
- Đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính được tăng thêm 06 ngày, quy định cụ thể như sau: thời gian xử lý tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tăng thêm 04 ngày; Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng thêm 01 ngày; UBND cấp huyện tăng thêm 01 ngày.
Qua bài viết này hi vọng đã cung cấp cho bạn đọc được những thông tin cần tìm hiểu về vấn đề Quy định trình tự thủ tục thu hồi đất như thế nào? nhất của pháp luật do Luật Đại Nam cung cấp. Nếu còn các vấn đề thắc mắc khác chưa được đề cập trong bài viết. Liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0967370488- 0975422489
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Phân biệt tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai
- Bị lấn chiếm đất đai phải xử lý như thế nào?
- Cho thuê đất theo bộ luật đất đai năm 2013