Bản đồ địa chính là gì? Thủ tục trích lục bản đồ địa chính

by Hủng Phong

Bản đồ địa chính là cụm từ chắc đã không còn xa lạ khi thực hiện các thủ tục liên quan đến giấy tờ đất đai. Vậy bản đồ địa chính theo quy định tại Luật Đất đai là gì? Thủ tục trích lục bản đồ địa chính như thế nào? Cùng Luật Đại Nam tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết dưới đây.

Bản đồ địa chính

Bản đồ địa chính là gì? Thủ tục trích lục bản đồ địa chính

Căn cứ pháp lý

  • Luật Đất đai 2013;
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP

Bản đồ địa chính là gì?

Định nghĩa 

Theo khoản 4 Điều 3 Luật đất đai 2013 giải thích từ ngữ bản đồ địa chính như sau:

“4. Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.”

Bản đồ địa chính được lập với các tỷ lệ khác nhau gồm: Bản đồ tỷ lệ 1:200, bản đồ tỷ lệ 1:500, bản đồ tỷ lệ 1:1000, bản đồ tỷ lệ 1:2000, bản đồ tỷ lệ 1:5000 và Bản đồ tỷ lệ  1:10000.

Bản đồ địa chính được sử dụng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và được thể hiện qua một số nội dung như sau:

  • Thống kê, kiểm kê đất đai theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
  • Xác lập, ghi nhận thông tin quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất.
  • Là căn cứ giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi các nội dung quản lý đất đai hoặc nội dung có liên quan như: Xác định nghĩa vụ tài chính, tranh chấp đất đai,…
  • Cung cấp thông tin và là cơ sở pháp lý cho các hoạt động có liên quan đến đất đai như: Thừa kế, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, hoạt động kinh doanh bất động sản

Nội dung bản đồ địa chính

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, các yếu tố nội dung chính thể hiện trên bản đồ địa chính gồm:

  • Khung bản đồ.
  • Điểm khống chế tọa độ, điểm địa chính, độ cao quốc gia các hạng, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định.
  • Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp.
  • Mốc giới quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn các công trình công cộng như giao thông, đê điều, thủy lợi, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác.
  • Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự và diện tích thửa đất.
  • Nhà ở, công trình xây dựng khác không phải là nhà ở.
  • Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như: Đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, suối, sông, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến.
  • Địa vật (các vật thể tự nhiên hoặc nhân tạo), công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao.
  • Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao.
  • Ghi chú thuyết minh.

Thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính

Trích lục bản đồ địa chính là việc sao chép và thể hiện lại thông tin của một thửa đất. Cung cấp thông tin về hình dáng, diện tích, vị trí của thửa đất nhằm giúp người sử dụng đất thực hiện các quyền về đất đai như tặng cho, mua bán, thừa kế đất đai…Bên cạnh đó trích lục thửa đất cũng giúp nhà nước thuận tiện hơn trong quá trình quản lý đất đai, trong tiến hành các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.Trích lục bản đồ địa chính gồm các thông tin quan trọng sau:

  • Tên và địa chỉ thường trú của chủ sở hữu đất.
  • Số thứ tự, bản đồ, địa chỉ cụ thể của thửa đất trong khu vực xã, huyện, tỉnh.
  • Diện tích chính xác của thửa đất.
  • Mục đích sử dụng của thửa đất hiện tại.
  • Một số thay đổi của thửa đất so với các giấy tờ pháp lý trước đó về quyền sử dụng đất.
  • Bản vẽ thửa đất chi tiết gồm chiều dài cạnh thửa, sơ đồ toàn diện thửa đất,…

Trường hợp cần phải trích lục bản đồ địa chính

Trường hợp 1. Cấp lại giấy chứng nhận

Theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 nếu đất chưa có bản trích lục bản đồ thửa đất và chưa được trích đo thửa đất thì phải là trích lục bản đồ địa chính hoặc làm trích đo địa chính thửa đất với khu vực đó. Việc này được Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện.

Trường hợp 2. Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận

Theo điểm b khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP khi đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất.

Trường hợp 3. Là căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai

Sau khi hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã không thành nếu các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện, tỉnh thì trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp là một trong những căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai (theo điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Trường hợp 4. Người xin giao đất, thuê đất có yêu cầu

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT khi nhận giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của UBND cấp tỉnh thì người xin giao đất, thuê đất phải nộp 01 bộ hồ sơ. Trong hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất phải có trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với những nơi đã có bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người xin giao đất, thuê đất.

Trường hợp 5. Là thành phần hồ sơ trình UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định hồ sơ trình UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải có trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.

Trường hợp 6. Là thành phần hồ sơ trình UBND quyết định thu hồi đất

Khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì có các loại hồ sơ như hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất (Điều 9 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT), hồ sơ trình ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất (Điều 11 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT).

Trình tự, thủ tục xin cấp trích lục bản đồ địa chính

Theo quy định tại Điều 11, 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, để được cấp trích lục bản đồ địa chính thì cá nhân hoặc tổ chức khi yêu cầu cấp trích lục  phải thực hiện thủ tục theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ 

Nơi nộp hồ sơ: chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở huyện đối với hộ gia đình, cá nhân; văn phòng đăng ký đất đai với tổ chức. Thành phần hồ sơ bao gồm:

  • Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai (nếu yêu cầu trích lục bản đồ, cung cấp dữ liệu đất đai) do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp theo mẫu 01/PYC ban hành kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT;
Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin

Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai

  • Hợp đồng/văn bản yêu cầu về trích đo địa chính thửa đất, khu đất (nếu yêu cầu trích đo) do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp theo mẫu thống nhất;
  • Giấy tờ về sử dụng đất và các giấy tờ liên quan về sử dụng đất (bản sao);
  • Giấy tờ chứng minh nhân thân: chứng minh thư, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn hạn.

Bước 2: Kiểm tra và thẩm định hồ sơ 

Cơ quan thực hiện: chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Khi nhận được phiếu yêu cầu hợp lệ thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

  • Cung cấp trích lục bản đồ cho người có yêu cầu.
  • Thông báo nghĩa vụ tài chính cho tổ chức, cá nhân (nếu có).
  • Nếu từ chối cung cấp thông tin phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý một số trường hợp không cung cấp thông tin, dữ liệu gồm:

  • Phiếu yêu cầu có nội dung không rõ ràng, cụ thể.
  • Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân.
  • Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định pháp luật.
  • Người yêu cầu không thực hiện nghĩa vụ tài chính (không trả phí nếu thuộc trường hợp phải nộp).

Bước 3: Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả 

Các nghĩa vụ tài chính phải hoàn thành gồm: Lệ phí trích lục thửa đất, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính..theo quy định riêng của từng Ủy ban nhân tỉnh theo quy định pháp luật.

Thời hạn thực hiện thủ tục xin trích lục thửa đất trích đo thửa đất: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

DỊCH VỤ LUẬT ĐẠI NAM CUNG CẤP CHO KHÁCH HÀNG TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

  • Tư vấn pháp lý miễn phí
  • Thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục liên quan tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
  • Đại diện khách hàng giải quyết các tranh chấp đất đai
  • Bảo vệ quyền và lợi ích liên quan của khách hàng tại phiên tòa

Trên đây là thông tin pháp lý về thủ tục xin cấp trích lục bản đồ địa chính. Mọi vướng mắc liên quan đến vấn đề trên vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488