Công ty cổ phần là gì?

by Lê Quỳnh

Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư lựa chọn phổ biến hiện nay. Bởi, cách thức vận hành, tổ chức bộ máy,… của loại hình doanh nghiệp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội cho chủ sở hữu và các thành viên. Vậy hiểu như thế nào về khái niệm công ty cổ phần? Đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này ra sao? Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu qua bài viết công ty cổ phần là gì? sau đây.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020.
Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2020. Công ty cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi chung là cổ phần; quyền lực của thành viên chủ yếu dựa trên các yếu tố như: số cổ phần, chức vụ của cá nhân đó trong công ty,…

Tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về công ty cổ phần cụ thể như sau:

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

Theo đó, công ty cổ phần còn là doanh nghiệp được pháp luật cho pháp phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty (Khác hoàn toàn với công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân)

Đặc điểm của công ty cổ phần

Từ các cách hiểu về công ty cổ phần, ta có thể rút ra một số đặc điểm của loại hình này như sau:

  • Về cổ đông công ty

Công ty cổ phần thường sẽ bao gồm 3 loại cổ đông như sau:

– Cổ đông sáng lập: là người sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và có chữ ký trong danh sách cổ đông sáng lập công ty.

– Cổ đông phổ thông: là người sở hữu cổ phần phổ thông theo quy định tại khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020.

– Cổ đông ưu đãi: là người sở hữu cổ phần ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020.

  • Về tính chất khi thành lập

Công ty cổ phần có tính chất đối vốn, không quá đặt nặng vấn đề ai là người góp vốn mà chỉ chú ý đến phần vốn góp được bao nhiêu. Do vậy, công ty cổ phần còn được biết đến là loại hình công ty có cấu trúc mở.

  • Về thành viên trong công ty

Theo quy định của pháp luật hiện hành công ty cổ phần phải có số lượng thành viên tối thiểu là 03 và không giới hạn thành viên tối đa. Trong quá trình hoạt động, nếu công ty xảy ra các vấn đề và phải chịu các trách nhiệm về tài sản,… thì các thành viên của công ty cổ phần chỉ phải chịu trách nhiệm dựa trên phạm vi số vốn góp vào công ty. Tức là cổ đông mua bao nhiêu cổ phần thì sẽ chịu trách nhiệm liên quan căn cứ theo số lượng cổ phần đang sở hữu.

  • Về chuyển nhượng cổ phần

Theo nguyên tắc, việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông được diễn ra tự do. Tuy nhiên, để bảo đảm giảm thiểu rủi ro khi tự do hóa điều đó, pháp luật cũng đã đặt ra những tiêu chuẩn, các trường hợp nhất định bị hạn chế. Cụ thể:

– Việc chuyển nhượng cổ phần sẽ bị hạn chế theo quy định của Điều lệ công ty. Tuy nhiên, trong Điều lệ cần ghi rõ ràng việc hạn chế chuyển nhượng áp dụng cho loại cổ phiếu nào, cổ phần nào?

– Đối với cổ phần của cổ đông sáng lập thì chỉ được chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập còn lại trong thời hạn 03 năm đầu sau khi thành lập. Trong trường hợp có mong muốn chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải chịu sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

– Không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Nhìn chung, việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện tương đối linh hoạt và hoàn toàn có thể được thực hiện thông qua các hình thức như: chuyển nhượng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Ưu và nhược điểm của công ty cổ phần

Từ những phân tích về đặc điểm của công ty cổ phần, Luật Đại Nam xin đưa ra một số nhận xét về ưu, nhược điểm của loại hình này như sau:

  • Về ưu điểm của công ty cổ phần:

– Các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm dựa theo tỷ lệ vốn góp trong công ty. Điều này cho phép các nhà đầu tư không quá lo ngại về các rủi ro về tài chính có thể xảy ra trong tương lai.

– Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần nhanh và thuận lợi hơn so với các loại hình doanh nghiệp còn lại.

– Việc quản lý công ty sẽ hiệu quả hơn bởi công ty cổ phần có tính độc lập cao giữa quản lý và sở hữu.

– Không giới hạn số lượng cổ đông tham gia, do đó quy mô của công ty cổ phần có thể được mở rộng hơn về quy mô trong tương lai.

  • Về nhược điểm của công ty cổ phần:

Tuy có nhiều lợi thế và ưu điểm vượt trội nhưng công ty cổ phần cũng còn tồn tại một số nhược điểm như:

– Việc quản lý đôi khi gặp phải nhiều khó khăn do số lượng cổ đông lớn. Việc điều hành công ty cần quan tâm nhiều hơn do xuất hiện những vấn đề phức tạp như xuất hiện sự đối lập lợi ích từ các nhóm cổ đông.

– Xuất hiện khả năng rò rỉ thông tin, bảo mật kém do phải công khai báo cáo tài chính với các cổ đông.

– Ngoài ra, công ty cổ phần còn phải đổi mặt với những khó khăn như: mức thuế cao do các cổ đông cũng phải chịu thuế, khả năng thay đổi lĩnh vực kinh doanh không linh hoạt,…..

Các loại hình doanh nghiệp đều tồn tại những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt. Do đó, khi thành lập hoặc góp vốn đầu tư quý khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng những đặc điểm, tính chất, các quy định pháp luật có liên quan,… để từ đó có cho mình sự lựa chọn sáng suốt nhất.

Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề công ty cổ phần là gì? do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488