Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất dự án

by Lê Quỳnh

Khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đòi hỏi người thực hiện cần có những kiến thức pháp lý nhất định có liên quan đến vấn đề này. Bởi, chỉ khi đó họ mới không gặp phải những vướng mắc và khó khăn không đáng có có thể xảy ra. Trong phạm vi bài viết sau đây, Luật Đại Nam sẽ phân tích và làm rõ những điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất dự án. Qua đó, bổ sung thêm những thông tin pháp lý hữu ích đến người đọc.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Đất đai 2013.

Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép

Các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể như sau:

– Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

– Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

– Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

– Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

– Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

– Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Như vậy, nếu quý độc giả tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì buộc phải có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thẩm quyền ch0 phép chuyển mục đích sử dụng đất

* Đối với UBND cấp tỉnh: sẽ tiến hành cho phép với các trường hợp

– Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức.
– Giao đất đối với cơ sở tôn giáo.
– Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Luật Đất đai 2013.
– Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013.
– Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
* Đối với UBND cấp huyện: cho phép
– Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
– Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
* Đối với UBND cấp xã:
Cho phép về việc thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Lưu ý: Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cấp tỉnh và huyện không được ủy quyền.
Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất dự án

Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất dự án

Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất dự án

Cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật có quy định rõ về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đối với từng loại dự án tại Điều 58 Luật Đất đai 2013 như sau:

* Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau:

– Văn bản chấp thuận của Thủ tướng đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.

– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

* Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

* Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau:

– Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư.

Theo đó, khoản 1 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định như sau:

+ Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên.

+ Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.

– Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư.

– Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Việc xác định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác xác định theo các căn cứ sau đây:

+ Kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với các dự án tại địa phương được lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

+ Nội dung công bố về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đối với các dự án thuộc địa phương khác.

Ngoài ra, tại Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 11 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP còn quy định chi tiết về điều kiện đối với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như sau:

– Các dự án đầu tư có sử dụng đất không có mục đích kinh doanh thì không áp dụng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013.

+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở.

+ Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

+ Dự án sản xuất, kinh doanh không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước.

– Thời điểm thẩm định các điều kiện quy định được thực hiện đồng thời với việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì thời điểm thẩm định được thực hiện trước khi tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất.

– Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai 2013.

– Đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đã có văn bản chấp thuận của Thủ tướng hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua để sử dụng vào mục đích khác nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thì được chuyển sang thực hiện trong các năm tiếp theo nhưng không được quá thời hạn 03 năm theo quy định.

Đồng thời không phải làm lại thủ tục xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng hoặc trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua theo nếu tiếp tục thực hiện dự án.

Như vậy, để biết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất dự án của mình có đảm bảo đầy đủ theo luật định hay không? thì quý độc giả nên xác định trường hợp của mình thuộc trường hợp nào theo những phân tích của Luật Đại Nam nêu trên. Đồng thời liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải đáp cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm để nhận được những tư vấn cụ thể nhất.

Trên đây là bài tư vấn pháp lý về vấn đề điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất dự án do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý khách hàng vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488