Hướng dẫn cách hạch toán thuế xuất khẩu

by Lê Vi

Hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa được sản xuất ở một nước khác và nhập qua cửa khẩu Việt Nam, có xuất xứ từ nước ngoài. Trong kỳ kinh doanh có phát sinh chi phí cho loại hàng hóa này thì hạch toán như thế nào, có điểm gì khác so với hàng hóa thông thường? Bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ cung cấp thông tin cho bạn về cách hạch toán thuế xuất khẩu.

Cơ sở pháp lý

  • Luật thuế xuất nhập khẩu năm 2016;
  • Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyên tắc kế toán của tài khoản 3333

Nguyên tắc kế toán của tài khoản 3333 được ghi nhận tại Điều 41 Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó:

  • Tài khoản này dùng để phản ánh quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước về các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước trong kỳ kế toán năm.
  • Doanh nghiệp chủ động tính, xác định và kê khai số thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp cho Nhà nước theo luật định; Kịp thời phản ánh vào sổ kế toán số thuế phải nộp, đã nộp, được khấu trừ, được hoàn…
  • Nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước trong giao dịch ủy thác xuất – nhập khẩu:
  • Trong giao dịch ủy thác xuất nhập khẩu (hoặc các giao dịch tương tự), nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước được xác định là của bên giao ủy thác;
  • Bên nhận ủy thác được xác định là bên cung cấp dịch vụ cho bên giao ủy thác trong việc chuẩn bị hồ sơ, kê khai, thanh quyết toán với Ngân sách Nhà nước (người nộp thuế hộ cho bên giao ủy thác).
  • Tài khoản 333 chỉ sử dụng tại bên giao ủy thác, không sử dụng tại bên nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác với vai trò trung gian chỉ phản ánh số thuế phải nộp vào Ngân sách Nhà nước là khoản chi hộ, trả hộ trên Tài khoản 3388 và phản ánh quyền được nhận lại số tiền đã chi hộ, trả hộ cho bên giao ủy thác trên Tài khoản 138. Căn cứ để phản ánh tình hình thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước của bên giao ủy thác như sau:
  • Khi nhận được thông báo về số thuế phải nộp, bên nhận ủy thác bàn giao lại cho bên giao ủy thác toàn bộ hồ sơ, tài liệu, thông báo của cơ quan có thẩm quyền về số thuế phải nộp làm căn cứ ghi nhận số thuế phải nộp trên Tài khoản 333.
  • Căn cứ chứng từ nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm số phải nộp Ngân sách Nhà nước.
  • Thuế xuất khẩu là thuế gián thu, không nằm trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Khi xuất khẩu hàng hóa, kế toán phải tách riêng số thuế xuất khẩu phải nộp ra khỏi doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ. Trường hợp không tách ngay được số thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm ghi nhận doanh thu thì được ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế nhưng định kỳ phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế xuất khẩu phải nộp.
  • Thuế xuất khẩu phải nộp khi xuất nhưng sau đó được hoàn, được giảm thì kế toán ghi nhận vào thu nhập khác.
Hướng dẫn cách hạch toán thuế xuất khẩu

Hướng dẫn cách hạch toán thuế xuất khẩu

Kết cấu và nội dung tài khoản 3333

Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước được pháp luật quy định như sau:

Bên Nợ:

  • Số thuế GTGT đã được khấu trừ trong kỳ;
  • Số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác đã nộp vào Ngân sách Nhà nước;
  • Số thuế được giảm trừ vào số thuế phải nộp;
  • Số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá.

Bên Có:

  • Số thuế GTGT đầu ra và số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp;
  • Số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Số dư bên Có:

  • Số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
  • Tài khoản 333 có thể có số dư bên Nợ: Số dư bên Nợ (nếu có) của Tài khoản 333 phản ánh số thuế và các khoản đã nộp lớn hơn số thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước, hoặc có thể phản ánh số thuế đã nộp được xét miễn, giảm hoặc cho thoái thu nhưng chưa thực hiện việc thoái thu.

Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, có 9 tài khoản cấp 2:

  • Tài khoản 3331 – Thuế giá trị gia tăng phải nộp: Phản ánh số thuế GTGT đầu ra, số thuế GTGT của hàng nhập khẩu phải nộp, số thuế GTGT đã được khấu trừ, số thuế GTGT đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Tài khoản 3331 có 2 tài khoản cấp 3:
  • Tài khoản 33311 – Thuế giá trị gia tăng đầu ra: Dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu ra, số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ, số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá, số thuế GTGT phải nộp, đã nộp, còn phải nộp của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ.
  • Tài khoản 33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu: Dùng để phản ánh số thuế GTGT của hàng nhập khẩu phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
  • Tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước
  • Tài khoản 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu: Phản ánh số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
  • Tài khoản 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp: Phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
  • Tài khoản 3335 – Thuế thu nhập cá nhân: Phản ánh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
  • Tài khoản 3336 – Thuế tài nguyên: Phản ánh số thuế tài nguyên phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
  • Tài khoản 3337 – Thuế nhà đất, tiền thuê đất: Phản ánh số thuế nhà đất, tiền thuê đất phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
  • Tài khoản 3338 – Thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước về thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác, như: Thuế môn bài, thuế nhà thầu nước ngoài…Tài khoản 3338 có 2 tài khoản cấp 3:
  • Tài khoản 33381: Thuế bảo vệ môi trường: Phản ánh số thuế bảo vệ môi trường phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước;
  • Tài khoản 33382: Các loại thuế khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp, còn phải nộp các loại thuế khác. Doanh nghiệp được chủ động mở các Tài khoản cấp 4 chi tiết cho từng loại thuế phù hợp với yêu cầu quản lý.
  • Tài khoản 3339 – Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp và còn phải nộp về các khoản phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác cho Nhà nước ngoài các khoản đã phản ánh vào các tài khoản từ 3331 đến 3338. Tài khoản này còn phản ánh các khoản Nhà nước trợ cấp cho doanh nghiệp (nếu có) như các khoản trợ cấp, trợ giá.

Phương pháp kế toán thuế xuất khẩu

Khi nhận doanh thu xuất khẩu hàng hoá, cung cấp dịch vụ:

  • Trường hợp tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh: kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (không bao gồm thuế xuất khẩu), ghi:
  • Nợ các Tài khoản 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán).
  • Có Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có Tài khoản 3333 – Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế xuất khẩu).
  • Trường hợp không tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh: kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế xuất khẩu.
  • Nợ các Tài khoản 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán).
  • Có Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (bao gồm cả thuế xuất khẩu).
  • Định kỳ khi xác định số thuế xuất khẩu phải nộp, kế toán ghi giảm doanh thu, ghi:
    Nợ Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
    Có Tài khoản 3333 – Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế xuất khẩu).

Khi nộp tiền thuế xuất khẩu vào Ngân sách Nhà nước, ghi:

  • Nợ Tài khoản 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế xuất khẩu).
  • Có các Tài khoản 111, 112,…

Thuế xuất khẩu được hoàn hoặc được giảm (nếu có), ghi:

  • Nợ các Tài khoản 111, 112, 3333
  • Có Tài khoản 711 – Thu nhập khác.

Trường hợp xuất khẩu ủy thác (áp dụng tại bên giao ủy thác):

  • Khi bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế xuất khẩu: phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ và số thuế xuất khẩu phải nộp như trường hợp xuất khẩu thông thường.
  • Khi nhận được chứng từ nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước của bên nhận ủy thác: bên giao ủy thác phản ánh giảm nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước về thuế xuất khẩu, ghi:
  • Nợ Tài khoản 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế xuất khẩu);
  • Có các Tài khoản 111, 112 (nếu trả tiền ngay cho bên nhận ủy thác);
  • Có Tài khoản 3388 – Phải trả khác (nếu chưa thanh toán ngay tiền thuế xuất khẩu cho bên nhận ủy thác);
  • Có Tài khoản 138 – Phải thu khác (ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế xuất khẩu).

Lưu ý: Bên nhận ủy thác không phản ánh số thuế xuất khẩu phải nộp như bên giao ủy thác mà chỉ ghi nhận số tiền này như một khoản chi hộ bên giao ủy thác, ghi:

  • Nợ Tài khoản 138 – Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)
  • Nợ Tài khoản 3388 – Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
    Có các Tài khoản 111, 112.

Hướng dẫn cách hạch toán thuế xuất khẩu

Khi có tờ khai hải quan chính thức về hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp xác định doanh thu và số thuế xuất khẩu phải nộp để hạch toán, bao gồm:

  • Nợ Tài khoản 131 – Tổng giá trị hàng hóa mà bên mua phải thanh toán;
  • Có Tài khoản 511 – Doanh thu xuất khẩu hàng hóa;
  • Có Tài khoản 3333 – Thuế xuất khẩu phải nộp.

Khi nộp tiền thuế xuất khẩu vào Ngân sách Nhà nước (NSNN), doanh nghiệp hạch toán, bao gồm:

  • Nợ Tài khoản 3333 – Thuế xuất khẩu phải nộp;
  • Có Tài khoản 1111, 1121 – Tiền mặt, Tiền gửi ngân hàng.

Trên đây là toàn bộ những thông tin do Luật Đại Nam cung cấp về Hướng dẫn cách hạch toán thuế xuất khẩu . Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ xin liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488