Những điều cần lưu ý khi từ chối di sản thừa kế

Những điều cần lưu ý khi từ chối di sản thừa kế

by Đàm Như

Khi một người chết đi để lại tài sản thì vấn đề thừa kế được đặt ra, những người thừa kế có quyền và nghĩa vụ về thừa kế. Vậy cần lưu ý gì khi từ chối di sản thừa kế? Cùng Luật Đại Nam giải đáp các vấn đề liên quan trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Luật Công chứng năm 2014;
  • Nghị định số 23/2015/NĐ-CP;

Thế nào là người từ chối nhận di sản thừa kế? Di sản là gì?

Người từ chối nhận di sản thừa kế là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật từ bỏ quyền nhận di sản thừa kế của mình.

Người thừa kế là những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế phải đáp ứng được quy định của luật tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015. Việc từ chối di sản được coi là quyền của người được hưởng thừa kế, không bị phụ thuộc vào việc chấp thuận của những người thừa kế khác.

Căn cứ Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Người để lại di sản thừa kế có quyền để lại tài sản của mình cho người khác theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Người để lại di sản phải là chủ sở hữu hợp pháp đối với những tài sản của mình.

Việc thừa kế chỉ có thể xảy ra khi người có tài sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. 

Việc từ chối di sản thừa kế của người chưa đủ 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự như thế nào?

Người chưa đủ 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia các giao dịch dân sự phải thông qua người đại diện, người giám hộ. Người đại diện, người giám hộ khi thực hiện các giao dịch dân sự phải vì quyền lợi của người được đại diện và người được giám hộ.

Từ chối di sản thừa kế

Từ chối di sản thừa kế

Việc từ chối hưởng di sản thừa kế là hành vi pháp lý đơn phương, vì vậy sẽ không mang lại lợi ích cho người được đại diện, người được giám hộ. Nên thực tế hiện nay, người có thẩm quyền công chứng, chứng thực từ chối công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của người chưa đủ 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự. 

Căn cứ khoản 1  Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015 thì người giám hộ đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Căn cứ Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Như vậy tài sản của người được đại diện, được giám hộ do người đại diện, người giám hộ xác lập thực hiện nhằm nhân danh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện, người được giám hộ. Từ chối di sản thừa kế không nhằm bảo vệ quyền lợi của người được đại diện, người được giám hộ. Hơn nữa những việc quyết định tài sản có giá trị lớn trong các giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Thời điểm từ chối nhận di sản là khi nào?

Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.và việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Việc từ chối nhận di sản là một quyền của người được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, muốn để thực hiện quyền này, pháp luật hiện hành chỉ chấp nhận nếu người muốn từ chối nhận di sản thể hiện việc từ chối trước thời điểm những người thừa kế tiến hành phân chia di sản, Nếu quá thời hạn này, người được hưởng di sản không muốn nhận di sản sẽ không được chấp nhận.

Thẩm quyền công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế

Căn cứ Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 thì “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.” Do đó việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế không bị phụ thuộc thẩm quyền địa hạt mà người thừa kế có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào trên phạm vi cả nước. Nhưng cần đặc biệt lưu ý công chứng viên theo điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 thuộc một trong các hành vi mà luật cấm.

Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thủ tục công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế?

Thủ tục công chứng văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện theo điều 58 Luật Công chứng năm 2014;

Thủ tục chứng thực văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện theo điều Điều 36 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Hậu quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản thừa kế?

Hậu quả của việc từ chối nhận di sản thừa kế theo pháp luật? Người được thừa kế theo pháp luật mà từ chối nhận di sản thừa kế thì phần của người đó sẽ được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế với người từ chối nhận di sản. Và những người ở hàng thừa kế trước từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế sau sẽ được hưởng thừa kế.

Hậu quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản thừa kế theo di chúc? Những người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc mà từ chối quyền nhận di sản thừa kế thì phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật .

Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thì việc thể hiện ý chí của người đó có thể xảy ra các trường hợp sau:

  • Chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
  • Chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chú. 

+ Từ chối cả quyền hưởng thừa kế theo di chúc và quyền hưởng thừa kế theo pháp luật. 

Bộ luật Dân sự năm 2015 dành ra điều luật 644 quy định về người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

 Như vậy, những đối tượng được hưởng di sản theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 mà từ chối nhận di sản thừa kế thì phần của họ sẽ do người thừa kế theo di chúc hưởng.

Trường hợp nào không được từ chối nhận di sản?

Theo quy định tại điều 614 và khoản 1 điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lạ và những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. 

Như vậy, nghĩa vụ của người chết sẽ trở thành nghĩa vụ của người thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế nên sẽ không công chứng, chứng thực được văn bản từ chối nhận di sản, bởi trường hợp người chết để lại di sản kèm theo nghĩa vụ về tài sản. 

Có được hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản khi công chứng hay không?

Theo điều 51 Luật Công chứng năm 2014 thì văn bản công chứng có thể sửa đổi, hủy bỏ khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.

Do đó, muốn hủy văn bản từ chối nhận di sản cần phải có các điều kiện sau:

  • Tài sản thừa kế chưa được khai nhận hoặc thỏa thuận;
  • Phải được sự đồng ý bằng văn bản của các thừa kế khác;
  • Phải làm thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng nơi công chứng văn bản từ chối nhận di sản.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về những điều cần lưu ý khi từ chối di sản thừa kế để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé.

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

Email: luatdainamls@gmail.com

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488