Trong hôn nhân đối với sẽ xuất hiện trường hợp bố mẹ chỉ tặng riêng một tài sản nào đó như quyền sử dụng đất cho vợ hoặc chồng mà không phải là tặng cho tài sản chung cho cả hai vợ chồng. Từ đó dẫn đến xuất hiện tình trạng có tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Vậy câu hỏi đặt ra là quyền sử dụng đất tặng cho riêng được quy định như thế nào? Chính vì vậy, bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ thắc mắc của quý khách hàng về vấn đề Thủ tục tặng cho riêng quyền sử dụng đất
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai
- Thông tư 24/2014/TT-BTNMT
Quyền của chủ sở hữu tài sản tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu như sau: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền khác đối với tài sản như sau:
Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
- Quyền đối với bất động sản liền kề;
- Quyền hưởng dụng;
- Quyền bề mặt.
Như vậy thông qua quy định trên ta biết được chủ sở hữu tài sản tại Việt Nam sẽ có 03 quyền chính đó chính là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản, ngoài đối với một số tài sản còn có thêm các quyền khác theo quy định của pháp luật mà bài viết đã nêu.
Nguyên tắc xác lập và thực hiện quyền tài sản tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 160 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. - Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
Thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:
- Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản. - Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quy định về việc chịu rủi ro về tài sản của chủ sở hữu
Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc chịu rủi ro về tài sản như sau:
- Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc Bộ luật dân sự luật khác có liên quan quy định khác.
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất cho riêng tại Việt Nam
Theo quy định của Điều 105 và Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 thì đất đai được xác định là bất động sản, còn quyền sử dụng đất tại Việt Nam được xác định là quyền tài sản. Cho nên tặng quyền sử dụng đất chính là việc tặng cho bất động sản.
Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tặng cho bất động sản như sau:
- Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
- Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013; thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của riêng mình cho bất kỳ ai nếu thoả mãn các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186; và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Lưu ý:
- Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 188; người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê; cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật Đất đai.
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực.
- Việc chuyển nhượng phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai; và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất cho riêng tại Việt Nam
Bước 1: Các loại hồ sơ cần chuẩn bị.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1 bản chính 2 bản photo có công chứng, chứng thực).
- CMND/CCCD, Sổ hộ khẩu của 2 bên chuyển nhượng nhận chuyển nhượng hoặc 2 bên tặng cho và nhận tặng cho (2 bản có công chứng, chứng thực).
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (2 bản chính công chứng hoặc chứng thực).
- Giấy tờ chứng minh tài sản chung/ riêng (Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, 2 bộ có công chứng hoặc chứng thực).
- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi chuyển quyền (nếu thuộc đối tượng này).
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (1 bản chính).
- Tờ khai lệ phí trước bạ (2 bản chính) của bên.
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (2 bản chính).
- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (2 bản chính).
- Tờ khai đăng ký thuế.
- Sơ đồ vị trí nhà đất (1 bản chính).
- Giấy xác nhận chứng minh sự đồng ý của các thành viên hộ gia đình đồng ý tặng cho đất đai.
Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ tại một trong hai nơi:
- Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường nơi có đất.
- Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Bộ hồ sơ này sẽ được gửi đến cơ quan thuế và Phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính và tiến hành cập nhật biến động đất đai.
Thời gian thực hiện: Không quá 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ (nếu trường hợp đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện có thể được tăng thêm 10 ngày).
Lưu ý: Thời gian giải quyết được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Bước 3: Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tặng tại nơi nộp hồ sơ ban đầu.
Quyền sử dụng đất tặng cho riêng được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 168 Luật Đất đai 2013 quy định về thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất đã được tặng cho riêng như sau:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận.
Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
- Thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 194 của Luật Đất đai.
Như vậy kể từ thời điểm người được tặng cho đất riêng nhận được sổ đỏ đứng tên mình là chủ có quyền sử dụng phần đất được tặng và họ sẽ được thực hiện các quyền như quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.
Ngoài ra theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:
- Theo quy định tại Điều 33 như sau: Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Theo quy định tại Điều 43 như sau: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Theo quy định tại Điều 75 như sau: Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Như vậy thông qua quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ta biết được, tài sản riêng là quyền sử dụng đất không chỉ có thể được xác lập trước khi người ta kết hôn mà nó còn có thể xác định khi người ta đã kết hôn. Và không chỉ có vợ chồng mới có quyền được nhận tặng cho quyền sử dụng đất cho riêng, bản thân con cái của họ cũng có quyền được nhận tặng cho quyền sử dụng đất riêng cho một mình họ và xác lập quyền sở hữu.
Qua bài viết này hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc được những thông tin cần tìm hiểu về vấn đề Thủ tục tặng cho riêng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật do Luật Đại Nam cung cấp. Nếu còn các vấn đề thắc mắc khác chưa được đề cập trong bài viết. Liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm: