Trách nhiệm dân sự là gì? Quy định về trách nhiệm dân sự

by Lê Quỳnh

Trách nhiệm là công việc hay phần nghĩa vụ của chủ thể bất kỳ bắt buộc phải thực hiện hoặc hoàn thành. Vậy hiểu như thế nào về trách nhiệm dân sự? Pháp luật hiện hành có quy định ra sao về trách nhiệm dân sự? Mời bạn đọc theo dõi bài viêt trách nhiệm dân sự là gì? Quy định về trách nhiệm dân sự sau đây của Luật Đại Nam để biết thêm chi tiết.

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015.
Trách nhiệm dân sự là gì? Quy định về trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự là gì? Quy định về trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về trách nhiệm dân sự; tuy nhiên xét trên mặt khoa học pháp lý có thể hiểu đơn giản rằng:

– Trách nhiệm dân sự là hậu quả bất lợi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ nói riêng.

– Trách nhiệm dân sự là hậu quả pháp lý mà bên vi phạm phải chịu khi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện chậm nghĩa vụ của mình. Nghĩa vụ đó có thể là việc mà bên có nghĩa vụ phải chuyển giao tài sản, hoặc thực hiện hay không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của bên có quyền.

Quy định về trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự đã được Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể tại Mục 4 Chương XV, tuy nhiên để cụ thể hơn và chi tiết hơn Luật Đại Nam tiến hành phân tích về trách nhiệm dân sự dựa trên từng đối tượng, cụ thể:

Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

Tại Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự của pháp nhân như sau:

– Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình;

Không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình

Tại Điều 103 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như sau:

– Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên.

– Trường hợp các thành viên không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015.

– Trường hợp các bên không có thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 103 Bộ luật Dân sự 2015 theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau

Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

Căn cứ Điều 342 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh sẽ gồm:

– Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

– Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

Tại Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:

– Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

– Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

– Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Ngoài ra, trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện hoặc hoãn thực hiện nghĩa vụ còn được quy định tại Điều 353, 354, 355, 359, 360 như sau:

– Bên chậm thực hiện nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.

– Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.

– Trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết khác để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý. Trường hợp tài sản được gửi giữ thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền.

Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền, trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.

– Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác

Tại Điều 509 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác như sau:

Các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung;

Nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc luật có quy định khác.

Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự:

Các bên trong quan hệ dân sự buộc phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, nếu không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là bài tư vấn pháp lý về vấn đề trách nhiệm dân sự là gì? Quy định về trách nhiệm dân sự do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý khách hàng vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488