Vốn điều lệ là gì? Ý nghĩa của vốn điều lệ theo quy định pháp luật

by Lê Quỳnh

Một doanh nghiệp khi bắt đầu việc kinh doanh luôn cần đảm bảo đáp ứng được rất nhiều các yếu tố, trong đó có vốn điều lệ. Vậy Vốn điều lệ là gì? Ý nghĩa của vốn điều lệ theo quy định pháp luật ra sao?  Luật Đại Nam sẽ phân tích và làm rõ trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020.

Vốn điều lệ là gì?

Căn cứ vào khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 ta hiểu vốn điều lệ là:

– Tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Theo đó, vốn điều lệ đối với doanh nghiệp sẽ là:

– Hình thức thể hiện sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan khác.

– Nguồn vốn cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời cũng là cơ sở để các thành viên góp vốn phân chia lợi nhuận và các trách nhiệm về tài sản.

– Nội dung quan trọng bắt buộc có trong điều lệ công ty, giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp,….

Vốn điều lệ là gì? Ý nghĩa của vốn điều lệ theo quy định pháp luật

Vốn điều lệ là gì? Ý nghĩa của vốn điều lệ theo quy định pháp luật

Vốn điều lệ có thể được góp bằng những loại tài sản nào?

Cho đến thời điểm hiện tại pháp luật Việt Nam chỉ cho phép vốn điều lệ được góp bằng những tài sản được quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể:

– Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

– Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, quý độc giả có thể góp vốn điều lệ bằng các tài sản mình hiện có, không trái các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để hợp pháp bạn cần có các quyền hợp pháp đối với các tài sản và văn bản thỏa thuận đồng ý về giá trị tài sản của tất cả các thành viên góp vốn.

Ý nghĩa của vốn điều lệ

Vốn điều lệ sẽ có các ý nghĩa như sau:

–  Là cách thức cho biết tổng mức vốn của công ty được các thành viên góp vào. Từ đó giúp chủ sở hữu có thể dự tính, lên kế hoạch cho hoạt động của công ty trong tương lai.

–  Là phương thức giúp xác định tỷ lệ góp vốn, sự cam kết về vật chất của chủ sở hữu và các thành viên tham gia góp vốn vào công ty. Đồng thời là cơ sở để phân chia lợi nhuận, quyền và các nghĩa vụ khác đối với các thành viên tham gia góp vốn.

– Cho thấy vị trí, tiềm lực của công ty trên thị trường giúp khách hàng tin tưởng hơn trong hoạt động kinh doanh và giao dịch.

– Là cơ sở để quyết định quyền lực của cổ đông trong cuộc họp Hội đồng thành viên đối với hình thức công ty cổ phần.

Hiểu như thế nào về tăng, giảm vốn điều lệ

Tăng vốn điều lệ

Tăng vốn điều lệ là việc có sự thay đổi về vốn khác với số vốn ban đầu doanh nghiệp đăng ký. Doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau:

– Tăng vốn góp của thành viên.

– Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

Nếu trong trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Còn trong trường hợp có thành viên không góp hoặc chỉ góp một phần phần vốn góp thêm thì số vốn còn lại của phần vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.

Lưu ý: Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 52 của Luật Doanh nghiệp 2020.

Giảm vốn điều lệ

Doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau:

– Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;

– Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật Doanh nghiệp 2020.

– Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.

Lưu ý khi tăng, giảm vốn điều lệ

– Phải thực hiện thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ khi việc tăng hoặc giảm vốn đã được thanh toán xong trừ trường hợp được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020. (Các nội dung trong văn bản được quy định tại khoản 4 Điều 68 Luật này)

– Doanh nghiệp phải nộp kèm nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên khi công ty thực hiện thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Đối với trường hợp giảm vốn theo quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 bắt buộc có thêm báo cáo tài chính gần nhất.

– Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề “Vốn điều lệ là gì? Ý nghĩa của vốn điều lệ theo quy định pháp luật” do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488