Các trường hợp nào tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

by Lê Quỳnh

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc – một thuật ngữ không còn quá xa lạ đối với mọi người, nhất là với chủ thể lao động và chủ thể sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể việc đóng bảo hiểm có thể bị tạm dừng. Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này qua bài viết các trường hợp nào tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc? sau đây.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
  • Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
  • Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
  • Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021.
Các trường hợp nào tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Các trường hợp nào tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo đó, ta hiểu rằng: bảo hiểm xã hội đóng vai trò như một quỹ dự phòng giúp người tham gia bảo đảm trong trường hợp cần thiết như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp,… họ sẽ phần nào được hỗ trợ, bù đắp thu nhập từ bảo hiểm xã hội (dựa trên cơ sở số năm hoặc số tiền họ đóng vào).

Còn bảo hiểm xã hội bắt buộc là bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng phải tham gia ( theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ quản lý hoạt động của bảo hiểm xã hội bắt buộc này về mức phí, đối tượng,… nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chung của bên sử dụng lao động và chủ thể lao động.

Các trường hợp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Mặc dù theo như định nghĩa bảo hiểm xã hội bắt buộc là điều mà người lao động và người sử dụng phải tham gia. Tuy nhiên trong một số trường hợp, loại bảo hiểm này vẫn có thể bị tạm dừng đóng. Cụ thể theo Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

– Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, nếu người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng.

Chú ý: Khi hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo luật định.

Điều kiện để tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP là:

+ Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;

+ Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

+ Việc tạm dừng sản xuất kinh doanh phải từ 01 tháng trở lên do các nguyên nhân: thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; hoặc Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

– Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam.

Với trường hợp này thì khi người lao động tham gia bảo hiểm bị tạm giam thì việc thu phí bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng sẽ bị tạm dừng. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo đó, việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội sẽ diễn ra trong các trường hợp: người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh; hoặc người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam nhưng phải đảm bảo các điều kiện cụ thể theo luật định.

Thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bước 1: Đơn vị lập Mẫu D02-LT kèm hồ sơ đề nghị gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thông qua các hình thức:

– Lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN hoặc qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia;

– Qua Bưu chính;

– Nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.

Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Đơn vị nhận kết quả đã giải quyết

Như vậy, để tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc người sử dụng lao động phải gửi văn bản đề nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội kèm các giấy tờ chứng minh tới Cơ quan bảo hiểm xã hội nơi tham gia để được giải quyết.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Quyết định 595 của bảo hiểm xã hội Việt Nam thì thời hạn giải quyết hồ sơ sẽ không quá 05 ngày.

Vào tháng người sử dụng lao động có văn bản đề nghị sẽ được tính là thời điểm tạm dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề các trường hợp nào tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc? do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488