Trong quá trình lao động và làm việc không tránh khỏi người lao động do những sơ xuất mà gây thiệt hại làm hư hỏng tài sản của công ty. Đây cũng là điều khó tránh khỏi và là điều không ai mong muốn trong quá trình làm việc. Và vấn đề đặt ra là nếu làm hư hỏng tài sản của công ty người lao động phải bồi thường ? Để hiểu rõ về vấn đề này,Luật Đại Nam xin có bài viết hướng dẫn cụ thể như sau:
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Bộ luật dân sự 2015
Tài sản của công ty được hiểu là gì ?
Tài sản của công ty là vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động của mình.
Tài sản của công ty có thể bao gồm: tiền mặt, chứng khoán, trụ sở, nhà xưởng, công trình xây dựng, máy móc thiết bị, cửa hàng, kho tàng, hàng hoá, nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, tên thương mại, biển hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, mạng lưới khách hàng…
Làm hư hỏng tài sản của công ty, người lao động phải bồi thường thế nào?
Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019; khi làm hư hỏng tài sản của công ty, tùy trường hợp mà người lao động sẽ phải bồi thường như sau:
– Làm hư hỏng tài sản của công ty do sơ suất với giá trị thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng:
Người lao động phải bồi thường theo quy định của pháp luật; hoặc nội quy lao động nhưng không vượt quá 03 tháng tiền lương.
Khoản tiền này sẽ được khấu trừ hằng tháng từ lương của người lao động. Theo khoản 3 Điều 102 Bộ luật lao động; mức khấu trừ hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả cho người lao động sau khi đã nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc và thuế thu nhập cá nhân.
– Làm hư hỏng tài sản công ty do cố ý hoặc do sơ suất với hậu quả nghiêm trọng; hoặc với giá trị thiệt hại thực tế tên 10 tháng lương tối thiểu vùng:
Người lao động bồi thường theo quy định tại nội quy lao động. Trường hợp nội quy lao động không quy định thì xác định mức bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Căn cứ Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015; người lao động sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế gây ra.
– Làm hư hỏng tài sản do sự kiện bất khả kháng:
Theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015; người lao động làm hư hỏng tài sản của công ty sẽ không phải bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về khác.
Hậu quả pháp lý khi làm hư hỏng tài sản của công ty
Bên cạnh việc phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng tài sản của công ty thì người lao động còn có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, cụ thể:
Theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
Theo đó, người lao động bị sa thải khi có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người sử dụng lao động. Hiện nay chưa có văn bản nào giải thích; thế nào là hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Nhưng có thể suy luận thông qua quy định về bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm vật chất; tại Điều 129 Bộ luật Lao động:
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, thiệt hại không nghiêm trọng sẽ được gắn với giá trị thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng. Từ đây, có thể suy ra thiệt hại nghiêm trọng là thiệt hại với giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng.
Như vậy, với những hư hỏng về tài sản có giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng; người lao động có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Trường hợp nào người sử dụng lao động không được sa thải?
Theo khoản 3 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 quy định:
- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
- Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai; hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Làm hư hỏng tài sản công ty người lao động phải bồi thường? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM