Thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

by Mai Linh

Khi ký kết hợp đồng vay tài sản, hai bên đều mong muốn sự hợp tác và tin tưởng vào nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có thể xảy ra những tranh chấp và mâu thuẫn. Cùng Luật Đại Nam tìm hiểu về thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản qua bài viết dưới đây.

Thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Quy định pháp luật về hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015). Hợp đồng vay gồm có hợp đồng vay có kỳ hạn, hợp đồng vay không kỳ hạn, hợp đồng vay có lãi và hợp đồng vay không có lãi. Lãi suất trong hợp đồng vay do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực (khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; đối với trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trong hạn, lãi chậm trả của lãi trong hạn và lãi trên nợ gốc quá hạn.

Như vậy, khi tham gia vào quan hệ vay tài sản, các bên có thể lựa chọn những hình thức giao dịch phù hợp mà pháp luật đã quy định và cần phải tuân thủ cũng như thực hiện các quyền, nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng vay.

>>Tìm hiểu thêm: Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng

Một số bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại Tòa án và giải pháp khắc phục

Thứ nhất, về vấn đề thỏa thuận mức lãi suất giữa các bên cao hơn mức 20% được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trên thực tế, khi giải quyết vụ việc, nhiều Tòa án thường không xem xét và tính toán kỹ về phần lãi suất có vượt quá mức quy định hay không. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định là lãi suất không được vượt quá 20%/năm có nghĩa là tối đa chỉ là 20%/năm, còn thì dù vượt ít hay nhiều, thậm chí chỉ là 0,01%… cũng đều không hợp pháp. Giá trị vượt quá dù nhỏ nhưng cũng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của bên vay và làm sai lệch bản chất quy định pháp lý đã được ghi nhận cụ thể.

Ví dụ 1: Ngày 18/01/2018, ông A vay của nguyên đơn số tiền 30.000.000 đồng với lãi suất là 2%/tháng, cam kết trong thời hạn trả là 12 tháng. Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện về việc đề nghị tính lãi suất của khoản tiền vay 30.000.000 đồng theo mức lãi suất là 1,67%/tháng tính từ ngày vay là ngày 18/01/2018. Tòa án nhận định: “Xét yêu cầu này của nguyên đơn là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, được chấp nhận: Đối với khoản tiền vay 30.000.000 đồng, với mức lãi suất 1,67%/tháng tính từ ngày 18/01/2018 đến ngày 28/9/2020 thì số tiền lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là: 30.000.000 đồng x 1,67%/tháng x 32 tháng 10 ngày = 16.199.100 đồng” (Bản án số 25/2020/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh G ngày 28/9/2020).

Như vậy, việc Tòa án xác định mức lãi suất mà các bên thỏa thuận lại tại phiên tòa 1,67%/tháng là phù hợp với khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì theo tác giả là không phù hợp. Bởi lẽ, các bên thỏa thuận mức lãi suất 1,67%/tháng tương đương với 20,04%/năm, đã vượt quá 0,04%/năm của mức mà Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định.

Thứ hai, cách thức xác định thời hạn vay và tiền lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Thời hạn vay là khoảng thời gian mà các bên thỏa thuận vay trong hợp đồng được ấn định cụ thể, nếu sau thời hạn trên, bên vay không thực hiện nghĩa vụ thì có thể phải trả lãi chậm trả. Tuy nhiên, trên thực tế, một số Tòa án áp dụng chưa đồng nhất và nhầm lẫn một cách cơ bản về xác định thời hạn vay từ khi nào, cũng như tính thời gian chậm trả bắt đầu từ khi nào.

Ví dụ 2: Ngày 27/9/2019, ông H cho ông T vay số tiền 106.800.000 đồng, hợp đồng vay có công chứng, không quy định lãi suất, thời hạn trả ngày 07/10/2019. Sau khi hết thời hạn trả từ ngày 07/10/2019 đến nay, ông T không trả nợ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Ông H yêu cầu ông T trả ngay số tiền 106.800.000 đồng và lãi chậm trả trên số nợ gốc theo mức lãi suất là 0,83%/tháng. Tại phần nhận định và quyết định, Tòa án xác định thời gian chậm trả tính từ ngày 07/10/2019 đến ngày xét xử là ngày 29/4/2021 (Bản án số 53/2021/DS-ST của Tòa án nhân dân quận X, Thành phố H ngày 29/4/2021).

>>Tìm hiểu thêm: Mẫu bảo lãnh tiền tạm ứng được sử dụng trong lĩnh vực đấu thầu

Theo quan điểm của tác giả, Tòa án xác định thời gian chậm trả bắt đầu từ ngày 07/10/2019 là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP) quy định: “Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết kỳ hạn vay đến thời điểm xét xử sơ thẩm”. Như vậy, ở Ví dụ 2 thì thời gian chậm trả sẽ được tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày hết kỳ hạn vay (ngày 07/10/2019), tức là được tính từ ngày 08/10/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 29/4/2021.

Bên cạnh đó, ở Ví dụ 1, phần nhận định và giải quyết của Tòa án “được chấp nhận: Đối với khoản tiền vay 30.000.000 đồng, với mức lãi suất 1,67%/tháng tính từ ngày 18/01/2018 đến ngày 28/9/2020 thì số tiền lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là: 30.000.000 đồng x 1,67%/tháng x 32 tháng 10 ngày = 16.199.100 đồng” là không phù hợp, bởi lẽ, không thể xác định tiền lãi mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn tính từ ngày 18/01/2018 cho đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm. Ở đây, Tòa án đã nhầm lẫn cơ bản giữa thời gian vay trong hạn với thời gian tính lãi chậm trả. Do vậy, theo quan điểm của tác giả:

Một là, việc xác định tính tiền lãi từ ngày 18/01/2018: Căn cứ vào hợp đồng vay của các bên đã thỏa thuận thì thời hạn vay là 12 tháng, đây là khoảng thời gian vay của các bên đương sự trong hợp đồng vay, do vậy, trường hợp này, ngày 18/01/2018 là ngày vay sẽ không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định, tức là bắt đầu từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/01/2019 (theo khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Hai là, việc xác định thời gian chậm trả sẽ căn cứ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP. Theo đó, thời gian chậm trả được tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày hết kỳ hạn vay, tức là tính từ ngày 20/01/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 28/9/2020.

Thứ ba, áp dụng văn bản pháp luật để giải quyết tranh chấp.

Trên thực tế, không ít Tòa án đã áp dụng nhầm lẫn văn bản pháp luật để giải quyết tranh chấp.

Ví dụ 3: Ngày 03/8/2015, ông Đ vay của ông N số tiền 100.000.000 đồng, hẹn đến ngày 03/10/2015 trả; đến ngày 20/6/2016, ông Đ tiếp tục vay số tiền 200.000.000 đồng, hẹn đến ngày 20/7/2016 trả. Tuy trong giấy ghi là mượn tiền nhưng thực tế đây là tiền vay, hai bên không thỏa thuận lãi suất, khi vay, ông Đ có hứa trả số tiền gốc và lãi theo quy định của Nhà nước. Các lần vay ông Đ đều ký vào giấy mượn tiền. Đến hẹn và qua nhiều lần ông N yêu cầu ông Đ trả nợ thì ông Đ hứa và cam kết trả nợ nhưng không thực hiện, cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình. Nay nguyên đơn ông N yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn ông Đ phải trả cho nguyên đơn số tiền vay còn nợ 300.000.000 đồng và yêu cầu tính lãi theo quy định của pháp luật từ ngày hẹn trả nợ (Bản án số 11/2021/DS-ST của Tòa án nhân dân thị xã ĐH, tỉnh PY ngày 29/4/2021). Trong phần nhận định và quyết định của Tòa án thì Tòa án áp dụng Điều 463, Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; buộc bị đơn ông Đ phải trả cho nguyên đơn ông N số tiền vốn vay 300.000.000 đồng và tiền lãi là 151.161.000 đồng.

Theo quan điểm của tác giả thì Tòa án áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết các quan hệ vay trong trường hợp trên là không phù hợp. Bởi vì, “ngày 03/8/2015, ông Đ vay của ông N số tiền 100.000.000 đồng, hẹn đến ngày 03/10/2015 trả; đến ngày 20/6/2016, ông Đ tiếp tục vay số tiền 200.000.000 đồng, hẹn đến ngày 20/7/2016 trả”, như vậy, đây là hai hợp đồng vay được xác lập vào hai thời điểm khác nhau và đều có thỏa thuận thời hạn trả nợ, mặt khác, tất cả giao dịch đã được xác lập trước ngày 01/01/2017 (trước thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực). Do vậy, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các tranh chấp trong hai hợp đồng vay này sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết.

Thứ tư, về giải quyết đối tượng vay liên quan đến ngoại tệ.

Trên thực tế, nhiều Tòa án xác định cứ quan hệ vay liên quan đến ngoại tệ thì đều tuyên là vô hiệu là không có cơ sở. Bởi vì, những giao dịch dân sự được xác lập kể từ thời điểm ngày 01/01/2017 thì sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.

Ví dụ 4: A cho B vay 10.000 USD vào ngày 01/01/2015, thời hạn vay 01 năm. Đến hạn trả nợ, B không trả nên A khởi kiện vào ngày 01/02/2017 yêu cầu B phải trả tiền vay. Như vậy, với trường hợp này thì giao dịch về hợp đồng vay đã được xác lập trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực nên phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì giao dịch về hợp đồng vay sẽ bị vô hiệu vì đã vi phạm điều cấm của “pháp luật”, cụ thể đã vi phạm quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) với quy định không cho phép thực hiện các giao dịch bằng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, những giao dịch bằng ngoại hối đã xác lập xong trước ngày 01/01/2017 mà sau đó phát sinh tranh chấp thì Tòa án tuyên vô hiệu là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ví dụ 5: C cho D vay 10.000 USD vào ngày 02/01/2017, thời hạn vay 01 năm. Đến hạn trả nợ, D không trả nên C khởi kiện vào ngày 01/02/2019 yêu cầu D phải trả tiền vay. Như vậy, với trường hợp này, hợp đồng vay đã được xác lập khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực nên phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch về hợp đồng vay không vi phạm điều cấm của “luật” nên sẽ có hiệu lực.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tòa án vẫn căn cứ điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung 2013) ra quyết định giao dịch vay vô hiệu là không có cơ sở. Bởi vì, điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực “mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật”, khác với điểm b khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định điều kiện có hiệu lực “mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật”. Như vậy, “pháp luật” là bao gồm các văn bản luật và văn bản dưới luật, còn “luật” chỉ bao gồm văn bản luật do Quốc hội ban hành, trong khi đó, Pháp lệnh Ngoại hối không phải là văn bản luật mà là văn bản dưới luật.

Nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả đề xuất cần phải nghiên cứu, rà soát lại các từ ngữ, các quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự về thời hạn, thời hiệu, mức lãi suất và một số quy định trong Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP; cần phải xác định cụ thể về quan hệ tranh chấp vào thời điểm nào, đã được xác lập hay chưa, đang được thực hiện hay đã thực hiện xong, để từ đó có thể áp dụng đúng văn bản pháp luật để giải quyết.

Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0967370488/0975422489

– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167

– Email: luatdainamls@gmail.com

Xem thêm

Hợp đồng kinh tế là gì ?

Giá trị đảm bảo thực hiện hợp đồng

Mẫu hợp đồng dịch vụ với cá nhân

Hợp đồng kinh doanh quốc tế là gì ?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488