Hợp đồng bảo hiểm là yếu tố quan trọng không thể thiếu mà bạn cần phải chú trọng để bảo vệ quyền lợi của bản thân khi mua bảo hiểm. Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu kỹ hơn để hiểu chính xác hợp đồng bảo hiểm con người là gì và các đặc trưng của loại hợp đồng này qua bài viết sau!
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Luật Kinh doanh bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm là gì ?
Hợp đồng bảo hiểm nói chung là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải nộp tiền đóng phí bảo hiểm còn doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm con người là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, đối tượng của của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người.
>> Xem thêm: Hết hạn thử việc không ký hợp đồng
Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm con người
Hợp đồng bảo hiểm con người có đặc điểm:
– Thời hạn hợp đồng thường kéo dài, đặc biệt là những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Vì thế, trong quá trình thực hiện hợp đồng, người tham gia bảo hiểm được quyền thay đổi nội dung hợp đồng, thí dụ như đề nghị giảm bớt số tiền bảo hiểm, thay đổi loại hình bảo hiểm nhân thọ, điều chỉnh thời hạn nộp phí và phương thức nộp phí…
– Hợp đồng bảo hiểm con người là loại hợp đồng thanh toán có định mức. Bởi vì, bảo hiểm con người chủ yếu áp dụng nguyên tắc khoán, nên định mức tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người thụ hưởng chính là số tiền bảo hiểm.
Về nguyên tắc số tiền bảo hiểm không hạn chế, chỉ cần 2 bên bàn bạc thống nhất với nhau là được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm thường có định mức sẵn từng loại để người tham gia dễ dàng lựa chọn.
– Một số loại hợp đồng bảo hiểm con người (chủ yếu là các loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ) là những hợp đồng mang tính tiết kiệm.
Có thể hàng tháng, hàng quí, hàng năm người tham gia nộp phí cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng những khoản tiền nhỏ, cho tới khi người được bảo hiểm qua đời hay đến hết hạn hợp đồng anh ta còn sống, người thân hoặc bản thân anh ta sẽ nhận được một khoản tiền đáng kể giống như tiền gửi tiết kiệm.
>> Xem thêm: Hợp đồng dưới 3 tháng có phải đóng bảo hiểm không?
Có khác chăng là số tiền này không thể tuỳ ý lấy ra, mà phải tới khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mới được nhận lại.
– Trong quá trình thực hợp đồng, nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng phí bảo hiểm không đủ thì doanh nghiệp bảo hiểm không được khởi kiện truy đòi bên mua đóng phí bảo hiểm. Đặc điểm này khác hẳn với những hợp đồng kinh tế thông thường diễn ra trong thực tế.
– Đối với các hợp đồng bảo hiểm con người, doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn. Nếu người thứ ba trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên cái chết, thương tật hoặc ốm đau cho người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo đúng các thoả thuận đã ghi trong hợp đồng.
Đồng thời, người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo qui định của pháp luật.
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là gì ?
– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người.
– Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:
a) Bản thân bên mua bảo hiểm;
b) Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;
c) Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;
d) Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Thông báo tuổi trong bảo hiểm nhân thọ
– Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo chính xác tuổi của người được bảo hiểm vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để làm cơ sở tính phí bảo hiểm.
– Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả số phí bảo hiểm đã đóng cho bên mua bảo hiểm sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực từ hai năm trở lên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm.
– Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm làm giảm số phí bảo hiểm phải đóng, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm vẫn thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền:
a) Yêu cầu bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm bổ sung tương ứng với số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng;
b) Giảm số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tương ứng với số phí bảo hiểm đã đóng.
– Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm dẫn đến tăng số phí bảo hiểm phải đóng, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm vẫn thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn trả cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm vượt trội đã đóng hoặc tăng số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tương ứng với số phí bảo hiểm đã đóng.
Đóng phí bảo hiểm nhân thọ
– Bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần theo thời hạn, phương thức thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
– Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Các bên có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện trong thời hạn hai năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.
Những hành vi không được thực hiện
– Trong bảo hiểm con người, nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng không đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm.
– Trong trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
>> Xem thêm: Quy định về hợp đồng thử việc
Giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết
– Khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng.
Mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng phải có sự đồng ý bằng văn bản của bên mua bảo hiểm.
– Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của những người sau đây:
a) Người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản;
b) Người đang mắc bệnh tâm thần.
Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm
– Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;
b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;
c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
– Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
– Trong những trường hợp quy định như trên, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Dịch vụ tư vấn hợp đồng tại Luật Đại Nam
- Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung hợp đồng
- Phân tích rủi ro và thẩm định hợp đồng trước khi ký kết, sau khi ký kết.
- Soạn thảo hợp đồng, rà soát các dự thảo hợp đồng, thỏa thuận trước khi ký kết theo yêu cầu.
- Tư vấn, đại diện theo ủy quyền tham gia thương lượng, đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác.
- Biên dịch các văn bản hợp đồng và hồ sơ pháp lý liên quan.
- Các dịch vụ tư vấn luật khác có liên quan đến hợp đồng.
Kết luận
Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Hợp đồng bảo hiểm con người là gì ?“. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề pháp lý có liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi về đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành
Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488/0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM:
Quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà